Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Hiện nay, nước ta có tổng cộng 118 chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS-MN). Nhờ những chính sách này, diện mạo vùng DTTS-MN ngày càng đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, đây vẫn là vùng khó khăn nhất trong cả nước. Bởi vậy, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại Phiên họp thứ 37, chiều 18-9, đều đánh giá cao việc xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng DTTS-MN. Các đại biểu cho rằng đề án sẽ tạo xung lực mới giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS-MN với các vùng, miền của nước ta.

Khắc phục tình trạng nguồn lực bị phân tán

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến: Nước ta có 53 DTTS với 3,04 triệu hộ, 13,38 triệu người, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Đồng bào DTTS cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Tờ trình của Chính phủ cho thấy, thời gian qua, các địa phương vùng đồng bào DTTS-MN có tốc độ phát triển kinh tế cao, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và thu nhập bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS-MN được đầu tư xây dựng đồng bộ hơn; tiềm năng lợi thế ở từng vùng, từng khu vực được khai thác hiệu quả hơn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề được quan tâm đầu tư, đạt một số kết quả nổi bật. Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình tiếp tục đạt kết quả tốt hơn giai đoạn trước. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS được quan tâm. Hệ thống chính trị cơ sở được xây dựng ngày càng vững mạnh.

 Dân tộc Pà Thẻn thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang với nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống.

Dân tộc Pà Thẻn thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang với nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống.

Tuy nhiên, hiện nay, vùng đồng bào DTTS-MN vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng bào DTTS-MN cư trú ở vùng núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn ra nghiêm trọng và khó lường… Chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển KT-XH. Chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN mặc dù đạt không ít thành tựu, nhưng còn nhiều đầu mối xây dựng, quản lý, theo dõi (hiện còn 118 văn bản đề cập đến chính sách); nguồn lực phân tán, dàn trải...

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết: Đa số ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc tán thành với sự cần thiết xây dựng đề án để có chính sách đủ mạnh đầu tư cho vùng DTTS-MN, thực hiện mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập; khắc phục tình trạng nguồn lực bị phân tán, dàn trải với hơn 100 chính sách vùng DTTS-MN đang còn hiệu lực.

Vừa đầu tư, vừa hỗ trợ

Cho ý kiến để đẩy mạnh phát triển KT-XH đồng bào vùng DTTS-MN, đa số ý kiến của UBTVQH đều cho rằng, cần thực hiện vừa đầu tư, vừa hỗ trợ, vừa cho “cần câu”, vừa cho “con cá” để đồng bào DTTS-MN phát triển kinh tế, vươn lên thoát khỏi khó khăn và làm giàu. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị để thực hiện cho được đề án. Cần thu gọn đầu mối, có phân cấp; đi vào khâu cốt lõi, khâu đột phá, khâu yếu nhất trong tổ chức thực hiện những năm qua. Về hỗ trợ, phải thực hiện theo trình tự ưu tiên từ vấn đề khó khăn nhất của đồng bào hiện nay. Đó là nước cho sinh hoạt và sản xuất, đất đai, điện, giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa và các yếu tố khác. Việc giải quyết khó khăn phải theo nhu cầu của từng vùng, không áp dụng chung chung. Hỗ trợ phải gắn liền với tổ chức, bao gồm tổ chức sản xuất, tổ chức tiêu thụ, kể cả tổ chức đảng và tổ chức chính quyền để thực hiện. Chính phủ cũng cần tính toán rất kỹ nguồn lực đầu tư để bảo đảm khả năng bố trí được.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu quan điểm, phải có chính sách để người dân vùng rừng có thể sống và phát triển kinh tế nhờ rừng; “phủ sóng” chăm sóc sức khỏe cho vùng DTTS-MN với mô hình quân-dân y kết hợp; phát triển nghề trồng dược liệu. “Vấn đề chính là cách làm. Thứ nhất là làm sao để chuyển đổi được nhận thức của bà con. Thứ hai là phải bám bản, bám bà con”, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nói.

Nhấn mạnh đây là đề án rất lớn, rất quan trọng, tán thành rất cao với sự cần thiết xây dựng đề án, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần bàn bạc rất thận trọng về việc lựa chọn đưa vào đề án nhóm vấn đề gì; xác định rõ giai đoạn và tầm nhìn; đề xuất nguồn lực trên cơ sở có tính toán cẩn trọng, khoa học; xây dựng giải pháp xuất phát từ bất cập, hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân; nêu rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan. Quan điểm là phải xây dựng chính sách đồng bộ, thống nhất; xác định đầu tư cho vùng DTTS-MN là đầu tư cho phát triển, lâu dài và liên tục, vừa đầu tư vừa hỗ trợ. Để bố trí đất ở, đất sản xuất cho bà con một cách hiệu quả thì cần có quy hoạch cụ thể. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ phải được tiến hành đồng thời với việc huy động nguồn nhân lực từ nơi khác đến để tạo sự đột phá. Nhất trí với Chủ nhiệm Võ Trọng Việt, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, vùng DTTS-MN rất giàu tài nguyên, khoáng sản, nên phải có chính sách mạnh mẽ hơn để thu hút được các nhà đầu tư đến với vùng DTTS-MN.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, tính đến nay vẫn còn 118 chính sách dành cho vùng DTTS-MN còn hiệu lực. Theo đó, cần có đánh giá, tổng kết về kết quả thực hiện các chính sách này, nếu không xây dựng đề án mới mà tiếp tục thực hiện 118 chính sách hiện hành có được không? Xây dựng đề án mới có thay thế được toàn bộ 118 chính sách đó không? Từ đó đề ra mục tiêu, chương trình, phạm vi, đối tượng thực sự chính xác…

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu ý kiến, dự thảo đề án cần bổ sung đánh giá để thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các địa phương trong đầu tư phát triển vùng DTTS-MN. Nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS-MN có tinh thần tự lực cao, vươn lên thoát nghèo, không phải ai cũng ỷ lại. Đồng tình với nhiều ý kiến của các thành viên UBTVQH, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, một số mục tiêu cụ thể đưa ra trong đề án rất tích cực nhưng khó khả thi, cần cân nhắc lại.

Tuy còn những ý kiến băn khoăn về tính khả thi của một số mục tiêu nêu ra trong dự thảo đề án, nhưng tất cả đại biểu đều nhất trí cao với việc xây dựng đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS-MN. Các đại biểu đánh giá, đây sẽ là một đề án lớn, mang tính lịch sử thúc đẩy phát triển KT-XH vùng DTTS-MN. Nhiều người kỳ vọng, việc xây dựng và thông qua đề án này sẽ tạo ra xung lực mới cho vùng DTTS-MN, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng DTTS-MN với các vùng, miền khác của nước ta…

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/tap-trung-nguon-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dan-toc-thieu-so-mien-nui-591440