Tập trung nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững
Năm 2023, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, tạo bước bứt phá mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo 4 - 5%/năm theo tiêu chí đa chiều.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Thị Mỹ Hảo cho biết: Sở tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 15 nghị quyết, quyết định, kế hoạch, công văn… về phân bổ kinh phí, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững theo tiêu chí đa chiều; rà soát hộ nghèo, phân bổ nguồn vốn, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư giảm nghèo đa chiều. Các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của các cấp, ngành; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đơn vị; củng cố, kiện toàn các cơ quan chuyên môn, đội ngũ cán bộ, công chức từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo tại cơ sở.
Giai đoạn năm 2021 - 2025, phân bổ nguồn vốn Trung ương cho cho tỉnh về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 1.460,225 tỷ đồng, ngân sách của tỉnh đối ứng dự kiến tối thiểu 3% để thực hiện dự án 5 (riêng năm 2023, ngân sách địa phương đối ứng, bố trí 13.982 triệu đồng). Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo khoảng 93,416 tỷ đồng. Huy động các nguồn lực khác, giai đoạn 2021 - 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay 22.406 hộ, lượt hộ, kinh phí 1.119,486,31 triệu đồng từ Chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD); huy động các nguồn vốn từ các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm 54.708 triệu đồng (nguồn xã hội hóa về nhà ở).
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023, gồm: Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững... Qua đó, mở ra cơ hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự tạo việc làm, xây dựng mô hình sinh kế phù hợp ổn định đời sống, tạo thu nhập người dân sinh sống tại những địa bàn khó khăn.
Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bảo Lạc Nông Thị Loan cho biết: Năm 2023, ngân sách Nhà nước bố trí cho huyện 75,8 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo. Phòng tham mưu Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG huyện chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền rà soát, đánh giá kỹ tại cơ sở về tiêu chí các hộ nghèo; nhu cầu về vốn, giống, kỹ thuật, khoa học công nghệ, thông tin, lao động việc làm… Qua đó, phân bổ nguồn lực Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phù hợp với điều kiện hộ nghèo và đặc thù địa phương, hình thành kinh tế vùng theo tiềm năng, thế mạnh. Hiện nay, huyện phát triển vùng trồng quế tại các xã Hưng Đạo, Hưng Thịnh, Thượng Hà, Hồng An, Phan Thanh; trồng dâu, nuôi tằm, cây dược liệu, lúa nếp hương… tại các xã Cô Ba, Hồng Trị, Bảo Toàn, Xuân Trường, Khánh Xuân...
Chị Quan Thị Hương, xóm Nà Luông, xã Khánh Xuân (Bảo Lạc) chia sẻ: Qua học hỏi bà con ở xã Cô Ba, Hồng Trị… về trồng dâu nuôi tằm, tôi và nhóm chị em trong xóm đề xuất, đăng ký với UBND xã chọn mô hình trồng dâu nuôi tằm và được tập huấn về kỹ thuật, vay vốn tín dụng ưu đãi hơn 10 triệu đồng/hộ. Đến nay, gia đình tôi và một số nhóm hộ đạt thu nhập 40 - 70 triệu đồng từ trồng dâu, nuôi tằm, vươn lên thoát nghèo.
Các huyện, Thành phố đẩy mạnh rà soát, lấy ý kiến người dân, xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm cho hộ nghèo. Chú trọng vai trò kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị. Mở rộng ngành nghề nông thôn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa. Qua đó, tạo tiền đề giúp lao động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Mở 100 lớp đào tạo nghề với hàng nghìn người tham gia học 15 ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi cho lao động nông thôn, giúp người lao động tự tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập kinh tế hộ, gắn kết giáo dục nghề nghiệp, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, đào tạo nghề theo địa chỉ. Hỗ trợ tạo việc làm và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong người lao động. Hộ nghèo được tiếp cận giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, trợ giúp pháp lý, xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo việc làm…, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao dân trí.
Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội về chung tay thúc đẩy giảm nghèo bền vững, vận động các tầng lớp xã hội hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội cho người nghèo. Tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi các gương điển hình, những sáng kiến hay, mô hình tốt về giảm nghèo hiệu quả tại địa phương.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tap-trung-nguon-luc-thuc-hien-giam-ngheo-ben-vung-3166614.html