Tập trung nguồn lực xây dựng giao thông nông thôn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trong tỉnh chú trọng ưu tiên nguồn lực, đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 70 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.

Tuyến đường nội bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, được cứng hóa.

Tuyến đường nội bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, được cứng hóa.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh về xây dựng giao thông nông thôn, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động, phong trào thi đua “Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với xây dựng nông thôn mới”; tổ chức “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới” mang lại hiệu ứng tích cực, phát huy vai trò của tổ chức, người có uy tín trong việc vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, đã làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người dân, nhiều nơi, người dân đã tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động, tự nguyện giải phóng mặt bằng, chặt bỏ cây cối hoa màu, xây dựng đường giao thông nông thôn.

Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã cứng hóa 329 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 194 km, kinh phí đầu tư hơn 303 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 242,5 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Hiện nay, toàn tỉnh còn 5 xã, là Chim Vàn, Pắc Ngà, huyện Bắc Yên và Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Hoa, huyện Mường La chưa được cứng hóa đường đến trung tâm xã. Sở Giao thông Vận tải đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, chủ đầu tư, kịp thời giải quyết các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ Dự án đường nối quốc lộ 37, huyện Bắc Yên với quốc lộ 279D, huyện Mường La, đây là tuyến đường đi qua trung tâm 5 xã trên, dự kiến sẽ thông xe vào cuối năm nay, góp phần hoàn thành mục tiêu cứng hóa đường ô tô đến trung tâm 100% số xã trong toàn tỉnh.

Tại huyện Phù Yên, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện có trên 800 km đường giao thông nông thôn được bê tông. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 3.000 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 100 tỷ đồng, hiến gần 20.000m2 đất để mở rộng và đổ bê tông các tuyến đường liên bản, nội bản. Ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phù Yên, cho biết: Với phương châm làm tới đâu đảm bảo chất lượng đến đó, hạ tầng giao thông nông thôn của huyện đáp ứng 70% nhu cầu đi lại của nhân dân. Căn cứ nguồn kinh phí được phân bổ từ các chương trình, dự án xây dựng NTM và giảm nghèo hằng năm, huyện phân bổ kinh phí phù hợp, ưu tiên các khu vực đông dân cư, các xã được chọn làm điểm xây dựng NTM.

Còn tại huyện Yên Châu, việc đầu tư hệ thống giao thông nông thôn thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung xây dựng một số tuyến giao thông huyết mạch và tại các xã trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng tập trung thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tạo điều kiện triển khai thi công các công trình. Đến nay, có 6 xã hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; giai đoạn 2024-2025, phấn đấu hoàn thành cứng hóa gần 500 km đường giao thông nông thôn. Tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tình hình thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt đối với các xã. Rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đảm bảo cụ thể, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sát với nhu cầu thực tế; sử dụng hiệu quả các nguồn lực chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/tap-trung-nguon-luc-xay-dung-giao-thong-nong-thon-rXaBC58Sg.html