Tập trung phát triển AI, Meta khai tử nền tảng đã từng là 'tài sản chiến lược'
Meta, công ty mẹ của Facebook sẽ sớm đóng cửa nền tảng Workplace và tập trung phát triển AI.
Từng có tham vọng lớn trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực hỗ trợ hiệu suất và giao tiếp cho doanh nghiệp, Meta giờ đây đang chuẩn bị khép lại chặng đường của “tài sản chiến lược” Workplace. Nền tảng này vẫn hoạt động bình thường cho đến ngày 25/08/2025. Sau đó, nó sẽ bị chuyển về chế độ chỉ đọc đến tháng 5/2026 và phải ngừng hoàn toàn hoạt động. Bên cạnh đó, Meta cũng đưa ra chính sách giảm giá 50% các dịch vụ của Workplace từ tháng 9 năm nay.
Theo thông báo gửi tới khách hàng của Workplace, Meta đề xuất sử dụng Workvivo (thuộc sở hữu của Zoom) như một giải pháp thay thế. Đây là một nền tảng giao tiếp doanh nghiệp được Zoom mua lại vào năm 2023.
Hiện vẫn chưa có thông tin về số lượng nhân sự sẽ bị ảnh hưởng bởi việc Workplace dừng hoạt động.
“Chúng tôi sẽ ngừng hoạt động của Workplace khỏi Meta để có thể tập trung vào việc phát triển công nghệ AI và metaverse. Chúng tôi tin rằng việc này sẽ định hình lại cách vận hành của công ty”, một nguồn tin từ Tập đoàn cho biết. “Trong hai năm tới, chúng tôi sẽ đề xuất cho khách hàng của Workplace chuyển sang sử dụng nền tảng Workvivo của Zoom.”
Việc Meta thay đổi hướng đi sẽ đánh dấu sự kết thúc cho chặng đường 10 năm hoạt động của Workplace. Nền tảng này vốn được định hướng để mang lại nguồn doanh thu khác cho Facebook nhưng cuối cùng nó cũng khó cạnh tranh với những sản phẩm khác như Slack và sau này là Teams của Microsoft.
Có nhiều thông tin rằng từ sau đại dịch Covid, đã có nhiều nhà đầu tư bên ngoài tiếp cận Meta để tách nền tảng này thành một công ty độc lập và sau đó sẽ nhận đầu tư từ bên ngoài.
Tuy nhiên Meta đã từ chối, chủ yếu vì Facebook (tên cũ của Meta) coi Workplace là một “tài sản chiến lược”, không phải vì Workplace tạo ra doanh số hàng tỷ USD, gần bằng con số mà Meta thu được từ quảng cáo trên các nền tảng Facebook và Instagram, mà quan trọng hơn là nền tảng này thể hiện Meta có thể hoạt động trên đa dạng các lĩnh vực. Nó giúp Meta chứng minh mình có thể cung cấp nhiều dịch vụ cho doanh nghiệp hơn là chỉ bán quảng cáo trên mạng xã hội.
Có thể thấy rõ, giống như nhiều "ông lớn" trong ngành công nghệ, ưu tiên của Meta hiện nay đang là thay đổi để tập trung vào AI. Điều này đồng nghĩa với nhiều lần tái cơ cấu hơn chứ không chỉ là việc khai tử Workplace.
Nền tảng này ban đầu được xây dựng dựa trên cách Facebook sử dụng mạng xã hội hàng đầu của mình. Công ty đã chạy thử một phiên bản Facebook nội bộ và nhận ra cơ hội để phát triển phiên bản đó thành một sản phẩm hướng tới người dùng là các doanh nghiệp.
Workplace ban đầu hoạt động dưới tên Facebook @ Work và được xây dựng bởi một đội ngũ có trụ sở tại London, đứng đầu là Lars Rasmussen là đồng sáng tạo Google Maps và được Facebook đưa về để giữ chức Giám đốc Kỹ thuật, ông đã muốn xây dựng một dịch vụ doanh nghiệp tại Facebook từ lâu và đây là đứa con cưng của ông.
Cuối cùng, sản phẩm đã ra mắt phiên bản beta với tên gọi Workplace và tiến hành xây dựng một số tiện ích tích hợp của bên thứ ba khi Facebook nhận thấy cơ hội tạo ra nhiều yếu tố thúc đẩy năng suất hơn cho người dùng xung quanh mục đích giao tiếp cơ bản.
Theo thời gian, Workplace đã thu hút được một số khách hàng rất quan trọng, song vẫn gặp phải rào cản lớn. Nguyên nhân đến từ việc nền tảng Slack trở thành ngôi sao sáng thu hút nhiều sự chú ý, từ đó thúc đẩy việc tạo ra Teams từ Microsoft. Workplace ban đầu đặt ra mục tiêu cạnh tranh nhưng cuối cùng đã nhượng bộ và hợp tác với Teams để thực hiện một số chức năng nhất định.
Một số nhân viên chủ chốt xây dựng Workplace đã rời đi và có thông tin rằng nền tảng này vẫn điêu đứng từ sau đại dịch Covid.
“Tăng trưởng chậm sau đại dịch cộng với việc công ty ngày nay đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng danh tính — xét cho cùng, công ty thậm chí không còn được gọi là Facebook nữa và cũng không rõ là Meta có ý nghĩa gì không, thì việc loại bỏ các dự án không phải cốt lõi là một lựa chọn quyết đoán,” một nguồn tin cho biết.