Tập trung phát triển cây trồng lợi thế theo vùng

Hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Song, để nâng cao hiệu quả vùng sản xuất thì cần làm tốt công tác quy hoạch, có kế hoạch, giải pháp để khai thác thế mạnh mỗi vùng.

 Bí xanh thơm Ba Bể phân phối đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bí xanh thơm Ba Bể phân phối đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hình thành các vùng chuyên canh

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh giao chỉ tiêu cho các huyện thực hiện các cây trồng lợi thế theo đề án, nghị quyết giao. Đây cũng là điểm mới trong việc giao chỉ tiêu của năm 2024, theo đó các huyện sẽ lựa chọn các loại cây trồng thuộc thế mạnh của địa phương mình để thực hiện, khuyến khích cây có giá trị hàng hóa, mang lại thu nhập cho người dân. Trên cơ sở quy hoạch vùng, định hướng của tỉnh, sự vào cuộc của chính quyền các cấp, đặc biệt vận dụng hiệu quả các cơ chế chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, các vùng chuyên canh cây trồng đã từng bước được hình thành. Điển hình như vùng trồng mơ tại huyện Chợ Mới, Bạch Thông, thành phố Bắc Kạn với diện tích trên 700ha, trong đó 448ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 3.000 tấn/năm, quả mơ đã có các công ty liên kết tiêu thụ ổn định.

Vùng nguyên liệu dong riềng tại huyện Ba Bể, Na Rì, Bạch Thông, diện tích toàn vùng lên đến hơn 400ha. Cây hồng không hạt 400ha tập trung tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn, sản lượng đạt hơn 2.800 tấn/năm. Cây chè tại huyện Chợ Mới, Ba Bể, Chợ Đồn. Bí xanh thơm diện tích gần 200ha tại huyện Ba Bể. Gạo Bao thai, gạo Nhật J02 tại Chợ Đồn, Bạch Thông. Gạo nếp Khẩu Nua Lếch, hạt dẻ ván, lê, đào tại huyện Ngân Sơn, trong đó cây dẻ ván hiện có gần 190ha, trong đó 80ha đang cho thu hoạch, năng suất đạt 40 tạ/ha. Vùng nghệ trồng tại các huyện Pác Nặm, Ba Bể, Bạch Thông, thành phố Bắc Kạn. Cây cam quýt duy trì ổn định diện tích hơn 3.000ha tại huyện Bạch Thông, Na Rì, Chợ Mới…

Theo ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN&PTNT: “Để định hướng, phát triển các cây trồng lợi thế, hình thành vùng hàng hóa cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, đặc biệt là HTX phải biết cách vận động, liên kết, tập hợp người dân tham gia tổ chức sản xuất, đồng thời ứng dụng hiệu quả các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng giá trị cây trồng. Thành quả nông nghiệp là hành trình dài, vì vậy cần sự kiên trì, chịu khó và quyết tâm lớn, có như vậy mới phát huy lợi thế về đất đai, thế mạnh sản phẩm của từng vùng.

Việc quan tâm đầu tư các sản phẩm thế mạnh theo vùng, sản phẩm hữu cơ, OCOP sẽ giúp các địa phương có nhiều lợi thế trên hành trình xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản vùng. Một số vùng hiện đã được cấp mã số vùng trồng như: Cam ở Đồng Thắng (Chợ Đồn); thạch đen ở Na Rì; nghệ Xuân La (Pác Nặm); mơ tại xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn); lúa hữu cơ tại xã Yên Phong (Chợ Đồn), ngành Nông nghiệp đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục cấp mã số vùng trồng đối với cây bí xanh thơm Ba Bể, đây sẽ là lợi thế để cánh cửa nông sản của Bắc Kạn ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.

Bà Hoàng Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Na Rì cho biết: “Huyện Na Rì xác định các cây trồng lợi thế vẫn là cây dong riềng, cây hồng không hạt LT-1, thạch đen, chúng tôi tiếp tục vận dụng các chính sách để tăng cường các hoạt động liên kết, quảng bá sản phẩm nhằm duy trì ổn định diện tích, năng suất cây trồng”.

Phát huy yếu tố bản địa, thế mạnh từng vùng

Sản xuất nông nghiệp được coi là thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn, tuy nhiên địa hình, địa thế của tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, quy mô, trình độ sản xuất của người dân chưa cao nên chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô, tập trung. Xuất phát từ thực tế đó, Bắc Kạn cần biến những điểm yếu thành điểm mạnh của mình như khai thác, sử dụng phương pháp nông nghiệp hữu cơ, tập hợp người dân kết sản xuất theo vùng, vận dụng các chính sách nông, lâm nghiệp nhằm khích lệ mọi chủ thể, HTX tham gia vào các chuỗi sản xuất liên kết; chú trọng tuyên truyền các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm; rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường như lúa chất lượng cao ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu; cải tạo trồng bổ sung, thâm canh tăng năng suất cây ăn quả, cây chè, mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật; tiếp tục chuyển đất trồng lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả cao hơn./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/tap-trung-phat-trien-cay-trong-loi-the-theo-vung-post65532.html