Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang là lực đẩy của toàn ngành Công nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua. Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của cả nước cũng như Đồng Nai phát triển.

Các doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2023. Ảnh: H.Hà

Các doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2023. Ảnh: H.Hà

Trước mắt, trong giai đoạn khó khăn bởi những ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, các doanh nghiệp (DN) rất mong muốn được hỗ trợ thêm về thị trường và những yếu tố liên quan đến tài chính, tín dụng mùa cuối năm.

* Nhiều cơ hội

Đối với quy mô cả nước, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đón nhận và tận dụng sự dịch chuyển của nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cơ sở hạ tầng được cải thiện, nhân công rẻ và đặc biệt nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vị thế dẫn dắt toàn ngành công nghiệp là những yếu tố để các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chú ý.

Trong chiến lược phát triển công nghiệp những năm tới của Bộ Công thương, việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo xoay quanh các tiêu chí: phát triển mạnh ở thị trường trong nước; tiếp cận được công nghệ sản xuất, đón đầu những xu thế công nghệ mới trong các ngành công nghiệp sinh học, điện tử, vật liệu… Đồng thời, phải có những DN có tiềm năng để xây dựng thành những tập đoàn kinh tế đủ mạnh dẫn dắt các ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ phát triển theo.

Tại Đồng Nai, tỉnh cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Theo đó, nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nhóm này gồm: giày dép; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng; hàng dệt, may; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; xơ, sợi dệt các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm từ sắt thép; sản phẩm từ chất dẻo… Mục tiêu Đồng Nai đặt ra là kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tỉ trọng 88% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh vào năm 2025 và tăng lên 90% vào năm 2030.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, để hỗ trợ DN, sẽ có nhiều định hướng, chương trình được đưa ra. Một trong những yêu cầu quan trọng hiện nay là việc phát triển thị trường sẽ được đổi mới tư duy, nhận định khó khăn, vướng mắc để vượt rào cản thương mại. Từ đó đa dạng hóa, không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường cụ thể trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường truyền thống và các thị trường mục tiêu.

Không chỉ xuất khẩu ra nước ngoài mà việc xuất khẩu tại chỗ của các DN trên địa bàn tỉnh cũng rất rộng mở nếu biết nắm bắt. Đồng Nai đang chọn lọc dự án FDI công nghệ cao vào địa phương. Nhiều nhà đầu tư cho hay, họ muốn tìm nguồn nguyên, phụ liệu trong nước để đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa nhằm được hưởng các ưu đãi về thuế quan và giảm bớt chi phí sản xuất. Điiều này mở ra thêm cơ hội để thúc đẩy DN trong nước trên lĩnh vực công nghiệp chế tạo của địa phương phát triển.

* Cần hỗ trợ trước mắt

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê trong quý III-2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tuy vẫn còn khó khăn nhưng đã phục hồi tích cực hơn. Hai yếu tố nhu cầu thị trường trong nước thấp và tính cạnh tranh cao vẫn là những vấn đề ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 56,1% và 48,9%.

Trong tình hình khó khăn, để thiết thực hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh các tháng tiếp theo, DN mong muốn Nhà nước tập trung một số chính sách như: bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm; kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ DN tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Hiện nay, DN đang gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ, do đó giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn cũng là một trong những vấn đề thời sự, sống còn của DN.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) Ngô Thanh Bình cho hay, DN đã tiếp xúc được với một số đối tác quan tâm tới sản phẩm của công ty và đang lên kế hoạch cho thời gian sắp tới. “Chúng tôi có nhiều cơ hội để bán hàng ngay trong nước, do đó kế hoạch sắp tới là sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vấn đề mặt bằng sản xuất và nguồn lực để đầu tư lớn đã kìm hãm sự phát triển DN lâu nay” - ông Bình chia sẻ.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202311/tap-trung-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-che-tao-d0f5843/