Tập trung phát triển kinh tế tư nhân

Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta từng bước phát triển cả về số lượng, chất lượng. Khu vực kinh tế tư nhân cả nước hiện có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm của Hợp tác xã Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm của Hợp tác xã Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân hiện nay phải đối mặt với nhiều rào cản phát triển, chưa bứt phá về quy mô, năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Hầu hết doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh chưa cao...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng chủ yếu là do: Tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ, chưa thực sự hiệu quả, khó tiếp cận...

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới. Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.

Những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và sự nhanh nhạy, năng động, thành phần kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày một lớn mạnh, trở thành trụ đỡ cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Ngày 31/8/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU về phát triển doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 4.000 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.600 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi chiếm khoảng 75 - 80% trên tổng số doanh nghiệp hoạt động; giải quyết việc làm khoảng 100.000 lao động; thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng đóng góp cho ngân sách nhà nước giai đoạn khoảng 4.915 tỷ đồng… Cùng với đó, phấn đấu có 1.000 hợp tác xã, giải quyết việc làm cho 14.000 lao động.

Nhờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nỗ lực vượt khó, cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân ngày càng phát triển. Đến ngày 15/3, toàn tỉnh có 3.839 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 79.676 tỷ đồng, hoạt động tập trung ở lĩnh vực xây dựng; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ du lịch...

Các doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh. Hằng năm, đóng góp khoảng 55% GRDP, trên 60% thu ngân sách trên địa bàn của tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 110.000 lao động.

Đồng hành, phát triển kinh tế tư nhân, ngày 28/2/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 09/2025/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” có hiệu lực từ ngày 20/4/2025. Thông tư xác định rõ cơ chế quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước, hướng dẫn cách thức phân bổ, sử dụng kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong chương trình đảm bảo hiệu quả, minh bạch và đúng mục đích; thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp bền vững, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ kinh doanh bền vững.

UBND tỉnh Sơn La đã giao nhiệm vụ Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tham mưu giúp UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Tập trung rà soát, đánh giá và cụ thể hóa chính sách hỗ trợ phù hợp sát thực tiễn, tránh tình trạng nhiều cơ chế, chính sách chồng chéo song không hiệu quả, khó thực hiện. Quan tâm phát triển thương hiệu, chất lượng, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý các vùng sản xuất, sản phẩm nông sản... góp phần nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân.

Lê Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-de-hom-nay/tap-trung-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-WBEoAFaNg.html