Tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa xuân
Thời điểm này, thời tiết nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh phát triển trên lúa xuân. Chính vì vậy, hiện nay, cùng với sự chủ động của người dân, các cơ quan chuyên môn cũng đang tập trung theo dõi, dự báo tình hình dịch bệnh, từ đó hướng dẫn để người dân chủ động phòng trừ hiệu quả, đảm bảo năng suất lúa xuân.
Qua điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, từ cuối tháng 4/2023 đến nay, trên lúa xuân xuất hiện các loại sâu bệnh hại như: sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, nghẹt rễ… Trước tình hình đó, ngành chuyên môn, các huyện, thành phố đang tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tích cực, kịp thời ngăn chặn sâu bệnh lây lan ra diện rộng.
Vụ xuân năm nay, huyện Văn Quan gieo cấy hơn 1.400 ha lúa. Theo kết quả điều tra, theo dõi định kỳ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện, hiện nay, lúa xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ, đứng cái, một số diện tích xuất hiện rầy các loại với mật độ trung bình 100-300 con/m2, cao 800 – 1.000 con/m2; bệnh nghẹt rễ với tỷ lệ bệnh 5 – 7%, cao 10 – 20% dảnh; một số diện tích xuất hiện sâu cuốn lá, ruồi đục nõn, châu chấu. Bà Dương Ái Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Văn Quan cho biết: Để phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân, trung tâm đã gửi văn bản thông báo đến UBND các xã, thị trấn. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ tổng hợp, thăm đồng thường xuyên, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng, trừ sâu bệnh hại lúa.
Bà La Thị Tuyết, thôn Bản Noóc, xã An Sơn, huyện Văn Quan cho biết: Vụ xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 4 sào lúa, qua kiểm tra, thăm đồng vào đầu tháng 5, tôi phát hiện trên lúa xuất hiện rầy nâu, diện tích nhiễm khoảng 2 sào. Ngay sau khi phát hiện, tôi đã chủ động mua thuốc phun trừ rầy cho diện tích lúa bị nhiễm và phòng cho diện tích lúa còn lại. Hiện nay, tôi vẫn thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh và xử lý kịp thời.
Không chỉ huyện Văn Quan, hiện nay, cơ quan chuyên môn và người dân tại các huyện, thành phố cũng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Tràng Định cho biết: Năm nay, toàn huyện gieo cấy khoảng 2.300 ha lúa xuân. Hiện lúa đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, phân hóa đòng. Trên một số diện tích lúa có xuất hiện sâu bệnh như: sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy cánh trắng, châu chấu xanh. Để phòng trừ sâu, bệnh cho lúa, hằng tuần, trung tâm đều có thông báo gửi UBND các xã, thị trấn, đồng thời phối hợp với khuyến nông viên các xã đi kiểm tra trực tiếp và hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hại.
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được hơn 15.100 ha lúa. Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ, một số diện tích lúa xuân sớm ở giai đoạn đứng cái, làm đòng. Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trên lúa xuân đã xuất hiện một số sâu bệnh hại như: ốc bươu vàng, diện tích nhiễm nhẹ – trung bình 22,8 ha; rầy các loại, diện tích nhiễm 26,9 ha; sâu cuốn lá nhỏ, diện tích nhiễm nhẹ – trung bình 7 ha (tăng 7 ha so với kỳ năm trước); bệnh vàng lá, nghẹt rễ, diện tích nhiễm nhẹ – trung bình 16,5 ha (tăng 11,5 ha so với cùng kỳ năm trước); bệnh đạo ôn lá, diện tích nhiễm nhẹ – trung bình 5,76 ha (tăng 4,26 ha so với cùng kỳ năm trước).
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để đảm bảo lúa xuân phát triển, đạt kết quả tốt nhất, ngay từ cuối tháng 4/2023, chi cục đã có công văn đề nghị trung tâm DVNN các huyện, thành phố phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, theo dõi sát sao tình hình thời tiết, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn từ đó thực hiện công tác điều tra phát hiện và dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, gây hại của các sinh vật gây hại chính để chủ động khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng, chống. Ngoài ra, đơn vị cũng cử cán bộ chuyên môn bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình; hằng tuần đều có báo cáo điều tra, dự báo sự phát triển của sâu bệnh hại lúa để gửi các huyện, thành phố, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng, trừ.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời. Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến nay, diện tích lúa cơ bản sinh trưởng, phát triển tốt, tình hình sâu bệnh hại lúa được ngăn chặn kịp thời, chưa phát sinh thành dịch.
Với sự chủ động của các cơ quan chuyên môn, sự tích cực của người dân, tin tưởng rằng, diện tích lúa xuân trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển ổn định, đạt năng suất, sản lượng theo kế hoạch đã đề ra.