Tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp
Tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mục tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 24,1-24,2%
Theo báo cáo Chính phủ, tình hình thế giới trong năm 2024 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại.
Ở trong nước, chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản, nhưng nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ đặt mục tiêu năm 2024 tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%;
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 5%; bội chi ngân sách nhà nước dưới 4%GDP.
Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, năm 2024, tình hình thế giới dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt hơn, xung đột Nga - Ukraina còn có thể kéo dài và ngày càng phức tạp, xung đột Israel - Hamas tiềm ẩn nguy cơ khó lường, tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, kinh tế - xã hội tiếp tục phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức rất lớn. Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả năm 2024 như báo cáo của Chính phủ.
Theo đó, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán ngân sách nhà nước, cân nhắc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Về nhiệm vụ, giải pháp, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội được nêu ra trong báo cáo này, báo cáo của Chính phủ và phải gắn với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn, tiếp cận vốn tín dụng; điều hành hợp lý tỷ giá, lãi suất; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu; tập trung giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát và quản trị rủi ro hệ thống; bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện phương án xử lý các ngân hàng yếu kém. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ.
Tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép; nghiên cứu tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tiếp tục nâng cao năng lực theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành dự toán.
Khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả.
Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, bến cảng, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng chuyển đổi số.
Xây dựng kế hoạch để tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội ban hành; chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù ở các địa phương và lĩnh vực đã được Quốc hội ban hành nghị quyết. Tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, bao gồm các luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư và có giải pháp để tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.
Sớm triển khai một cách thực chất, hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng đã được Chính phủ thành lập. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tiếp tục đẩy nhanh quá trình phê duyệt, quyết định các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh, sớm ban hành kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và triển khai hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt, quyết định. Khẩn trương rà soát các chỉ tiêu trong Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025, trường hợp cần thiết trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh.
Giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trong nước hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, khả năng tiếp cận, năng lực hấp thụ vốn và lao động. Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về các quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa thực sự phù hợp không để phát sinh thủ tục, quy định kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường kết nối kinh doanh, liên kết, tạo thế “cộng sinh” giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia, giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.
Phát triển mạnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững. Có giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu đặc biệt là điện, xăng, dầu.
Củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính đặc biệt là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu bám sát định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.
"Tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại các khu vực nông nghiệp, dịch vụ nhất là những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao gắn với phát triển thị trường, bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; bảo đảm an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản" - ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam. Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công.
Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh. Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024; có giải pháp, chính sách hiệu quả để khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.
Xử lý có hiệu quả các bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu trường học, lớp học. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.