Tập trung quyết toán dự án hoàn thành

Quyết toán dự án hoàn thành là một khâu quan trọng trong quá trình đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các quy định về quyết toán dự án hoàn thành. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành nhiều giải pháp để đảm bảo công tác quyết toán các dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn thực hiện chặt chẽ và minh bạch.

Công trình trụ sở làm việc Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nậm Pồ đã hoàn thành nhưng chưa nộp hồ sơ quyết toán.

Công trình trụ sở làm việc Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nậm Pồ đã hoàn thành nhưng chưa nộp hồ sơ quyết toán.

Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 385 dự án hoàn thành, bao gồm cả dự án chuyển tiếp từ những năm trước và các dự án hoàn thành trong năm. Trong đó, có 233 dự án đã được phê duyệt quyết toán, 42 dự án đã nộp hồ sơ nhưng chưa được phê duyệt và 110 dự án chưa nộp hồ sơ quyết toán.

Trong năm 2024, toàn tỉnh đã thẩm tra và phê duyệt quyết toán cho 226 dự án, đạt 82,2% số dự án đã gửi báo cáo quyết toán đến cơ quan tài chính. Các dự án hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đúng tiến độ, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 110 dự án hoàn thành (chiếm 28,6% tổng số dự án) chưa được chủ đầu tư lập và nộp báo cáo quyết toán. Dù phần lớn các dự án này vẫn nằm trong thời hạn quyết toán theo quy định nhưng việc chậm nộp báo cáo có thể dẫn đến tình trạng tồn đọng quyết toán, gây thất lạc hồ sơ, ảnh hưởng đến công tác quản lý vốn đầu tư của Nhà nước. Đồng thời, kéo theo hệ lụy như: Nợ đọng xây dựng kéo dài, không thể tất toán tài khoản dự án, không hoạch toán tài khoản tăng kịp thời, gây khó khăn cho công tác theo dõi và quản lý tài sản sau đầu tư.

Nguyên nhân do một số chủ đầu tư và đơn vị quản lý dự án chưa thực sự chú trọng đến công tác lập và nộp báo cáo quyết toán. Đặc biệt, các dự án chậm nộp hồ sơ trên 24 tháng thường có thời gian thực hiện kéo dài, trải qua nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức, trong khi công tác lưu trữ hồ sơ chưa khoa học, dẫn đến tình trạng thất lạc tài liệu khiến việc lập và nộp báo cáo quyết toán khó khăn.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa một số chủ đầu tư và cơ quan tài chính còn thiếu chặt chẽ, khiến quá trình hoàn thiện hồ sơ, thẩm tra và trình phê duyệt quyết toán mất nhiều thời gian. Đối với các dự án có thời gian thực hiện dài, sự thay đổi về chính sách, giá cả đã ảnh hưởng đến tính pháp lý của hồ sơ dự án. Một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, hướng tuyến, gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng hoặc chịu tác động từ biến động định mức, đơn giá xây dựng khiến dự toán, quy mô, thiết kế kĩ thuật và tổng mức đầu tư phải điều chỉnh nhiều lần làm chậm tiến độ thực hiện và gây khó khăn trong việc hoàn thiện, nộp hồ sơ quyết toán theo quy định.

Mặt khác, các quy định và hướng dẫn cụ thể liên quan đến quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công còn thiếu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm nộp hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành. Như Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 chỉ quy định về quyết toán kinh phí theo niên độ ngân sách hàng năm, mà chưa đề cập đến quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Điều này gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định của Luật Xây dựng. Bên cạnh đó, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn về quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp có dự toán từ 500 triệu đồng trở lên dẫn đến khó khăn cho địa phương trong quyết toán dự án hoàn thành.

Nhằm khắc phục tình trạng chậm nộp hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, đặc biệt đối với các dự án chậm quyết toán trên 24 tháng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư triển khai đồng bộ các giải pháp, đảm bảo công tác quyết toán diễn ra đúng quy định.

Theo đó, người đứng đầu các sở, ngành và địa phương phải tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chủ đầu tư thực hiện rà soát, đánh giá toàn diện tình hình lập, nộp, thẩm tra và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. Việc quyết toán phải tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục pháp lý, thành phần hồ sơ và thời gian theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ. Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước và các cơ quan liên quan cần giám sát chặt chẽ công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán, đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời, tổng hợp và báo cáo các trường hợp chủ đầu tư chậm nộp quyết toán lên cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Đối với chủ đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công trong việc chấp hành các quy định về nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, giải ngân và thanh toán vốn đầu tư, đặc biệt đối với các dự án được giao kế hoạch vốn hoặc kéo dài vốn từ năm trước. Đối với các dự án hoàn thành nhưng chưa được phê duyệt quyết toán, nhất là những dự án chậm nộp hồ sơ trên 24 tháng, các chủ đầu tư phải khẩn trương kiểm tra, rà soát và lập báo cáo quyết toán để trình cơ quan tài chính đúng thời hạn, tránh tình trạng kéo dài, ảnh hưởng đến công tác quản lý tài chính và đầu tư công.

Bài, ảnh: Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/tap-trung-quyet-toan-du-an-hoan-thanh445