Tập trung sản xuất hàng hóa chất lượng cao
Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng ngành nông nghiệp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; phát triển nông nghiệp bền vững gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.
Nông nghiệp chưa tiếp cận sâu vào thị trường
Hậu Giang là tỉnh có nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp, song lại chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, hạn hán, biến đổi khí hậu. Tình trạng xâm nhập mặn thường xảy ra ở vùng giáp ranh của Hậu Giang với hai tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang, đó là huyện Long Mỹ (các xã Lương Nghĩa, Lương Tâm, Xả Phiên, Vĩnh Viễn và Vĩnh Viễn A) và thành phố Vị Thanh (xã Hỏa Tiến và Tân Tiến).
Trên địa bàn tỉnh, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tiếp cận sâu vào thị trường; hiệu quả hoạt động của đa số hợp tác xã nông nghiệp hiện nay còn thấp, quy mô hợp tác xã nhỏ, hợp tác xã chủ yếu hoạt động đơn ngành, chưa phát triển đa mục tiêu. Điều này dẫn đến nông sản của tỉnh được sản xuất thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ còn thấp; tỷ lệ sản phẩm được chứng nhận chất lượng, an toàn chưa cao. Đặc biệt, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển một số ngành hàng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh chưa được đầu tư và phát huy đúng mức; hoạt động nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất chưa nhiều, hiệu quả chưa cao, sự tham gia của doanh nghiệp còn hạn chế.
Tập trung sản xuất hàng hóa chất lượng cao
Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 xác định, Hậu Giang đổi mới về tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị, chú trọng chất lượng, mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Theo đó, tỉnh lấy hợp tác xã và doanh nghiệp làm trung tâm của sự phát triển, tập trung phát triển kinh tế hợp tác, chủ động, tích cực thích ứng và tận dụng tối đa cơ hội từ biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Tỉnh cũng xác định huy động nguồn lực tổng thể từ ngân sách nhà nước, đồng thời thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn để phát triển hình thức liên kết theo chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản.
Mục tiêu đến năm 2025 của tỉnh là xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn trước thiên tai.
Cụ thể đến năm 2025, Hậu Giang xây dựng 15 mô hình hợp tác xã và 3 liên hiệp hợp tác xã được đầu tư đồng bộ về kết cầu hạ tầng và phát triển toàn diện, hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh xây dựng 1 mô hình cung ứng dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp và 3 trung tâm thu gom, phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối hàng nông sản.
Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tối đa hóa việc tái tạo và tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để tạo thêm sản phẩm mới. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng GRDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm.
Trong việc xây dựng chuỗi giá trị, Hậu Giang xác định xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn với chất lượng sản phẩm đồng nhất, tạo nền tảng cho việc xây dựng chuỗi giá trị. Trong số đó, tỉnh tập trung xây dựng các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dụng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu và doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi để giải quyết nguồn gạo cấp thấp dư thừa và phụ phẩm của lúa gạo.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hậu Giang dự kiến phân bổ hơn 600 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp bền vững gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ là hơn 133 tỷ đồng, gồm vốn lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dụng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nguồn kinh phí cấp bù giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và ngân sách địa phương là gần 250 tỷ đồng gồm vốn đầu tư và phát triển; vốn của quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; vốn sự nghiệp.