Tập trung sửa đổi các quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân các cấp
Chiều 25.4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phá sản.
Tờ trình dự án Luật do Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trần Văn Tiến trình bày cho biết, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của Tòa án các cấp trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản, tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, có liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy, thẩm quyền của Tòa án nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Dự thảo Luật gồm 6 điều, trong đó có 5 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Bộ luật, Luật gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phá sản; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và 1 điều khoản thi hành.
Một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật là điều chỉnh tăng thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực theo hướng Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Bổ sung thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên trình bày nêu rõ, Ủy ban tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật; cho rằng, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Về cơ bản, Ủy ban tán thành với dự thảo Luật về phân định thẩm quyền xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc của các cấp Tòa án.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Quang Khánh
Theo đó, về thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực, Ủy ban nhận thấy, việc điều chỉnh tăng thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực là phù hợp với chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền. Với việc sáp nhập tỉnh thì một số cán bộ, Thẩm phán có kinh nghiệm tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ được tăng cường cho Tòa án nhân dân khu vực.
Mặt khác, những năm qua, các Tòa án chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, Thẩm phán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác Tòa án nhân dân. Vì vậy, Tòa án nhân dân khu vực có đủ điều kiện để thực hiện tốt thẩm quyền tố tụng được giao.
Ủy ban cũng tán thành với quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân cấp tỉnh; bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh; thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao…

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trần Văn Tiến trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Quang Khánh
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự án Luật đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn một kỳ họp tại Kỳ họp thứ Chín tới đây.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Luật; nhất trí với phạm vi của dự thảo Luật là tập trung sửa đổi các quy định về thẩm quyền của tòa án nhân dân các cấp liên quan trực tiếp đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án Nhân dân Tối cao; đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới.