Tập trung tháo gỡ 'ách tắc' cho các dự án ODA, có thể sẽ 'đóng' dự án không hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tập trung giải quyết ách tắc, vướng mắc trong các dự án ODA. Còn những dự án nào không hiệu quả, không còn phù hợp thì thể bàn với nhà tài trợ để 'đóng' lại, không nên để kéo dài gây lãng phí.

Sẽ “đóng” dự án không hiệu quả

Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường ngày 11/11, đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) có 2 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Thứ nhất, một số cử tri cho rằng, việc sử dụng vốn vay đầu tư phát triển và đặc biệt là sử dụng vốn ODA thời gian vừa qua ở một số nơi, một số chương trình, dự án chưa hiệu quả, lãng phí, thậm chí là vi phạm pháp luật. Bộ đã thực hiện trách nhiệm quản lý trong vấn đề này đến đâu và giải pháp trong thời gian tới như thế nào?

Thứ hai, hiện nay khoảng cách chênh lệch sự phát triển giữa các tỉnh, thành trong cả nước đang rõ rệt. Các tỉnh khó khăn ngày càng khó theo kịp, nhất là trong thu hút đầu tư, bởi vì các tỉnh, thành có tiềm lực, có lợi thế, có các cơ chế đặc thù và điều kiện thuận lợi hơn nhiều. Vậy, Bộ trưởng đã có chỉ đạo, định hướng cũng như tham mưu cho Chính phủ các giải pháp như thế nào để ưu tiên cho các tỉnh và vùng đang khó khăn để thu hút đầu tư?

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi chất vấn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Các dự án ODA, ngoài việc phải thực hiện đúng thủ tục theo quy trình, pháp luật trong nước thì còn phải thực hiện theo quy trình, thủ tục của nhà tài trợ.

“Như vậy, chúng ta phải làm đồng thời 2 việc, mỗi việc mất rất nhiều thời gian, nhất là năm vừa rồi giãn cách nên rất khó, kể cả những điều chỉnh rất nhỏ như thay đổi tên hay thay đổi địa giới; hoặc là phạm vi, diện tích hay là kéo dài một chút thời hạn thì chúng ta vẫn phải cần một thỏa thuận của nước ngoài. Nếu thỏa thuận của nước ngoài do đi lại hay qua trao đổi thì đã mất rất nhiều thời gian. Lao động thì phải có giấy phép lao động, chuyên gia thì phải có xác nhận tư cách của chuyên gia. Những động tác này chúng ta đều phải làm các thủ tục xong mới làm được. Cho nên, các dự án ODA hiện nay giải ngân đều chậm, ngoài các nguyên nhân chung thì có những nguyên nhân riêng như thế. Nhập khẩu máy móc, còn chuyên gia, lao động vào đang phải vướng cách ly, vướng việc không được di chuyển giữa địa phương này đến địa phương kia…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận, có một số dự án ODA do chúng ta triển khai, lựa chọn, tổ chức thực hiện không tốt nên dẫn đến lãng phí. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại những dự án nào vướng mắc gì, có thể tháo gỡ được, cần thúc đẩy nhanh để đảm bảo hiệu quả thì Bộ sẽ tập trung cùng với các bộ, ngành, địa phương giải quyết ách tắc, vướng mắc. Còn những dự án nào thực sự không hiệu quả và không còn phù hợp nữa thì cũng có thể bàn với nhà tài trợ để “đóng” các dự án này lại, không nên để kéo dài gây lãng phí.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Cơ chế chung – riêng rõ ràng

Về câu hỏi những giải pháp ưu tiên cho các địa phương có điều kiện phát triển tốt hơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có một số vấn đề quan trọng sau:

Thứ nhất, quy hoạch phải tốt. Hiện nay, chúng ta đang lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng. Trên cơ sở đó, xây dựng các quy hoạch cấp tỉnh.

Thứ hai, vấn đề hạ tầng phải được đầu tư đồng bộ và nâng cao sức cạnh tranh.

Thứ ba là đất đai, mặt bằng phải có sẵn, những vấn đề về nguồn lực, môi trường đầu tư, thủ tục hành chính phải được quan tâm...

“Đó là những việc chúng ta có thể làm được để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, từ đó có thể phát triển cân bằng hơn giữa các vùng miền. Trên cơ sở đó, cũng có cả các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế và có điều kiện để phát triển nhanh hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Các địa phương, các vùng miền có lợi thế cạnh tranh riêng mà có thể phát triển nhanh hơn, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để trình với Quốc hội xem xét, đưa ra những cơ chế, chính sách chung – riêng, tạo điều kiện phát triển cho từng vùng, từng địa phương.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tap-trung-thao-go-ach-tac-cho-cac-du-an-oda-co-the-se-dong-du-an-khong-hieu-qua-post166351.html