Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Quyết liệt triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí đã ban hành; đề xuất bổ sung các chính sách khác phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng
Trong nửa đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng GDP 6,42%, vượt xa mức 3,84% trong nửa đầu năm ngoái. Kết quả khả quan này mở ra tín hiệu tích cực cho nửa còn lại của năm nay.
Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ
Theo nhận định của ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu - Tập đoàn UOB, sự phục hồi về sức cầu của thị trường trong nước và ngoài nước đã giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn mong đợi trong nửa đầu năm 2024. "Dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm nay, với mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6%-6,5% có khả năng đạt được" - ông Suan Teck Kin đánh giá.
Tuy nhiên, ông Suan Teck Kin cũng đưa ra cảnh báo về khả năng nửa cuối năm nay, việc duy trì đà tăng trưởng mạnh cũng gặp không ít thách thức. Nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp (DN) trong nửa đầu năm chưa như kỳ vọng, từ mức độ tự tin của DN khi đánh giá triển vọng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai và mức độ của các đơn đặt hàng thực tế cùng nhiều yếu tố khác. Sau mức tăng trưởng GDP yếu và thương mại quốc tế sụt giảm đáng kể vào năm 2023, DN và người tiêu dùng ngần ngại vay vốn để đầu tư, chi tiêu. Nhiều DN cho biết hoạt động kinh doanh có cải thiện nhưng chưa khởi sắc như kỳ vọng và mong muốn Nhà nước tăng cường các biện pháp khác để kích cầu thị trường, giảm thuế, phí…
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food), cho biết do năm 2023 chăn nuôi heo thua lỗ nên nhiều trang trại chuyển đổi sang nuôi gà lấy trứng khiến nguồn cung tăng mạnh. Điều này khiến cho mặt bằng giá trứng năm nay ở mức thấp dù chi phí sản xuất có xu hướng tăng nhẹ, DN phải tốn chi phí khuyến mãi liên tục trong khi giá bán không tăng. Chỉ mới tháng 7 nhưng V.Food đã chi hết kinh phí khuyến mãi của cả năm 2024; các tháng cuối năm dự kiến cũng sẽ tiếp tục khuyến mãi để kích cầu, tăng sức mua. "Đây là giải pháp chủ động của DN, nhưng về tổng thể, rất cần có sự điều phối của nhà nước, các hiệp hội để điều tiết cung - cầu theo thị trường, tránh tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa" như năm ngoái chăn nuôi heo lỗ, năm nay được còn ngành trứng thì ngược lại" - ông Trương Chí Thiện nói. Theo một số DN nông nghiệp, hiện lãi suất cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp đang rất tốt, đặc biệt là với các DN có lịch sử tín dụng tốt. Dù vậy, DN vẫn lo ngại tương lai lãi suất có thể tăng. Nếu chính sách điều hành ổn định được mức lãi suất tốt lâu dài, DN sẽ yên tâm đầu tư phát triển các dự án mới.
Bộ Tài chính cho biết để hỗ trợ người dân và DN, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí đã ban hành; đồng thời rà soát, nghiên cứu để đề xuất Chính phủ các chính sách khác phù hợp. Về lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, ban hành quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ khi nghị định được ban hành đến hết năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng để bảo đảm an toàn tài chính công, thời gian tới nên bước vào chu kỳ mới, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt. Về lâu dài, cần có các giải pháp căn cơ hơn để hỗ trợ DN sản xuất - kinh doanh, từ đó tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Ổn định lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công
Với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tạo điều kiện, môi trường để thu hút đầu tư tư nhân, vốn FDI. "Cần đôn đốc và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Trong lĩnh vực ngân hàng (NH), nhiều NH thương mại đang nỗ lực tiết giảm chi phí để ổn định và giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ DN. Tại buổi làm việc của ban lãnh đạo NH Nhà nước với cán bộ chủ chốt NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây, lãnh đạo Agribank cho biết trong điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, NH này đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Theo chủ trương, chính sách của Chính phủ, NH Nhà nước tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan. Chủ động giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,5-2 điểm %, đặc biệt đối với các khoản giải ngân mới; lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm 1-2,5 điểm %...
Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng Giám đốc NH An Bình (ABBANK), cho rằng lãi suất cho vay vẫn đang ở mức khá thấp. Ý chí của nhà điều hành cũng yêu cầu các NH tiết giảm chi phí để giảm thêm 1-2 điểm % lãi suất cho vay. Khả năng từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở mức phù hợp, nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, khơi thông dòng chảy vốn. "Trong bối cảnh chi phí đầu vào bắt đầu tăng theo lãi suất huy động, NH sẽ cân nhắc. Song tín dụng còn chậm, nên lãi vay khó có thể sớm tăng, mà giữ ít nhất từ nay đến cuối năm nhằm kích cầu vốn của khách hàng" - ông Phạm Duy Hiếu nói.
Một trong những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm là bất động sản (BĐS). Chia sẻ với các nhà đầu tư về kết quả kinh doanh quý II/2024 chiều 22-7, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc NH Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), cho rằng thị trường BĐS đang có sự phục hồi ở nhiều phân khúc, giá BĐS tăng dần và hoạt động giao dịch, đầu tư nhiều hơn những năm trước. Đặc biệt, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-8, đem lại kỳ vọng phục hồi nhanh hơn cho thị trường thời gian tới. Lãi suất cho vay đang ở mức thấp và quy định mới cho phép Việt kiều cũng có thể sở hữu nhà tại Việt Nam... cũng kích thích thị trường đi lên trong nửa cuối năm.
Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS), dù lãi suất huy động nhích lên có thể gây áp lực tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới cũng chưa gây tác động tiêu cực đến thị trường BĐS. Bà Hiền cho rằng lãi suất cho vay tăng lên nhẹ sẽ kích thích dòng tiền chảy vào BĐS do kỳ vọng lãi suất đã tạo đáy. Đồng thời, các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường này trong năm nay. Hệ thống pháp lý được hoàn thiện giúp thị trường phát triển bền vững, thúc đẩy sự phát triển của nguồn cung lẫn nguồn cầu.
Điều tiết tỉ giá, lãi suất phù hợp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III/2024. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn cho người dân, DN, trong đó giao Bộ Tài chính triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí đã được ban hành. Thủ tướng yêu cầu NH Nhà nước sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỉ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Chính phủ cũng chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt, dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG:
Giải phóng nguồn lực cho phát triển
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đồng hành với DN, xác định khó khăn, vướng mắc của DN cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để tham mưu, đề xuất xử lý, tháo gỡ. Rà soát, sửa đổi ngay các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, không cần thiết cho quản lý nhà nước, gây khó khăn, phiền hà cho DN. Đẩy nhanh việc tháo gỡ, giải quyết, xử lý các dự án, đất đai tồn đọng để giải phóng nguồn lực cho phát triển. Hỗ trợ DN nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi mô hình sản xuất… để đáp ứng tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
TS DƯƠNG ĐỨC MINH, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP HCM:
Gia tăng giá trị cho sản phẩm
Nâng cấp chuỗi cung ứng thành chuỗi giá trị - có giải pháp hướng đến việc gia tăng giá trị cho sản phẩm và hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế ổn định, bền vững. Trước tiên, cần có chiến lược phân bổ các nguồn vốn, không chỉ vốn tài chính mà còn vốn về chính sách, công nghệ, con người… Cần giải pháp phân bổ để mỗi khâu sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ đều mang giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ đó. Sau đó, sẽ tập hợp tất cả hoạt động gia tăng giá trị đó lại thành một câu chuyện chung để không chỉ thuần túy bán sản phẩm mà bán cả câu chuyện xoay quanh hàng hóa, nâng cấp giá trị của hàng hóa. Lúc đó, nền kinh tế mới có sức mạnh. Đồng thời, phải kết nối được chuỗi giá trị Việt Nam với chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Hiện những sản phẩm mang tính chất dẫn dắt cho nền kinh tế phát triển ở Việt Nam kết nối với chuỗi cung ứng thế giới còn hạn chế, chủ yếu mặt hàng xuất khẩu như lúa, gạo, cà phê, tiêu, điều… trong khi những mặt hàng công nghiệp và dịch vụ còn yếu. Cần phát huy vai trò của các nhà đầu tư ở những ngành có động lực, có tính cạnh tranh cao trên thị trường; phát huy lợi thế những cụm ngành công nghiệp tạo sức mạnh tổng thể, tạo liên kết vùng mạnh mẽ cho phát triển.
Ông ĐINH ĐỨC QUANG, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB Việt Nam:
Lãi suất huy động tăng là hợp lý
Từ đầu quý II/2024, mặt bằng lãi suất VNĐ bắt đầu tăng, đến nay mức tăng khoảng 0,5-1 điểm %. Chưa có sự thay đổi chính sách tiền tệ từ NH Nhà nước thời gian qua. Các mức lãi suất huy động được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, tương quan với lãi suất USD trên thị trường thế giới, với cả lợi tức đầu tư so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… Thực tế, các mức lãi suất huy động đã ở mức rất thấp trong 6 tháng cuối năm 2023 và khi tình hình kinh tế cải thiện rõ rệt, mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới là hợp lý. Dù tăng nhưng mức lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp hơn giai đoạn trước dịch COVID-19. Dự báo mặt bằng lãi suất VNĐ trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25-0,75 điểm % tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn. Đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4% và tỉ giá USD/VNĐ có thể biến động 4%-5% trong năm nay.
M.Chiến - T.Nhân - T.Phương ghi
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tap-trung-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-1962407222136015.htm