Tập trung tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Chiều 22/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh chủ trì hội nghị trực tuyến định kỳ tháng 5 của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021–2025 với các địa phương. Hội nghị có sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo Sở Tài chính, tổng kế hoạch vốn thực hiện các CTMTQG trong năm 2025, bao gồm cả phần vốn được phép kéo dài từ các năm 2022, 2023 và 2024 chuyển sang năm 2025, là 614.294 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư là 310.386 triệu đồng và vốn sự nghiệp là 303.908 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh chủ trì hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh chủ trì hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Từ đầu năm đến nay, các chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện, giải ngân các CTMTQG. Tính đến ngày 19/5/2025, đã giải ngân được 84.499 triệu đồng, đạt 13,76% kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư giải ngân 70.109 triệu đồng, đạt 22,59%; vốn sự nghiệp giải ngân 14.390 triệu đồng, đạt 4,73%.

Lãnh đạo Sở Tài Chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường phát biểu

Lãnh đạo Sở Tài Chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường phát biểu

Về tiến độ giải ngân của từng chương trình, CTMTQG xây dựng nông thôn mới có tổng kế hoạch vốn năm 2025 và kế hoạch vốn được phép kéo dài của các năm 2022, 2023, 2024 chuyển sang là 320.197 triệu đồng. Kết quả đã giải ngân được 55.882 triệu đồng, đạt 17,45% kế hoạch, trong đó vốn đầu tư đạt 50.824 triệu đồng (26,02%) và vốn sự nghiệp đạt 5.058 triệu đồng (4,05%).

CTMTQG giảm nghèo bền vững có tổng vốn sự nghiệp năm 2025 và kế hoạch vốn được phép kéo dài của các năm 2022, 2023, 2024 được chuyển sang là 67.172 triệu đồng, hiện mới giải ngân 4.369 triệu đồng vốn sự nghiệp, đạt 6,45% kế hoạch.

CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tổng kế hoạch vốn năm 2025 và kế hoạch vốn được phép kéo dài của các năm 2022, 2023, 2024 được chuyển sang là 226.385 triệu đồng, đã giải ngân được 24.248 triệu đồng, đạt 10,71% kế hoạch. Trong số đó, vốn đầu tư đạt 19.285 triệu đồng (16,76%) và vốn sự nghiệp đạt 4.963 triệu đồng (4,46%).

Đánh giá của Sở Tài chính cho thấy, tiến độ giải ngân nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Một trong những nguyên nhân chính là nguồn vốn sự nghiệp 104.450 triệu đồng vừa mới được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung nên các đơn vị chưa kịp triển khai. Bên cạnh đó, một số cơ quan mới được điều chỉnh nhiệm vụ, phân bổ vốn theo quyết định ngày 8/5/2025 nên chưa thể tổ chức thực hiện đúng tiến độ.

Riêng đối với công tác phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2025 của Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 8/10 đơn vị cấp huyện hoàn tất phân khai và giao dự toán kinh phí. Tuy nhiên, còn lại 2 địa phương cấp huyện vẫn chưa phân khai hết chi tiết, với số tiền chưa phân bổ là 5.600 triệu đồng, do không còn dự án phù hợp để thực hiện. Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương đã tập trung nêu những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong quá trình giải ngân vốn.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị, sở ngành địa phương trong bối cảnh khối lượng công việc phát sinh nhiều. Các cơ quan được sắp xếp lại, phân công nhiệm vụ đã ít nhiều ảnh hưởng đến công việc nhưng đã bám sát kế hoạch triển khai các chương trình đạt một số kết quả. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ quan và khách quan làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG của tỉnh vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước. Vì vậy, cần phải nỗ lực quyết tâm cố gắng nhiều hơn để đạt được mục tiêu theo yêu cầu đã đề ra của Trung ương. Rà soát tổng hợp đầy đủ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời tháo gỡ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Dân tộc và Tôn giáo (2 cơ quan được giao chủ trì CTMTQG) tiếp tục duy trì họp giao ban hàng tuần địa phương, chủ động làm việc trực tiếp với các xã cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Các sở kịp thời tổng hợp những khó khăn đề xuất giải quyết theo thẩm quyền để tháo gỡ kịp thời. Các sở, ngành, địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ tập trung ưu tiên trong thời gian này đến khi hoàn thành nhiệm vụ chính trị cấp huyện và sáp nhập cấp xã.

Hai cơ quan chủ trì hướng dẫn đôn đốc các địa phương hoàn thành việc phân bổ kế hoạch vốn năm 2025, kể cả những đề xuất chuyển nguồn do không có nhu cầu vốn đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Các sở, ngành, địa phương được giao vốn phải cố gắng nỗ lực cao nhất đối với các dự án được bố trí kế hoạch vốn từ năm 2022, 2023, 2024 được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến năm 2025 phải khẩn trương làm thủ tục thanh quyết toán dự án. Chậm nhất đến 30/6 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn đối với bố trí các dự án hoàn thành và quyết toán dự án.

Riêng đối với các dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2025, các chủ đầu tư rà soát tiến độ thực hiện từng dự án, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn sang các dự án có khối lượng thực hiện hoàn thành nhưng còn thiếu vốn thanh toán. Hạn chế bố trí vốn khởi công mới, chỉ bố trí vốn cho những dự án khởi công mới cần thiết, bức xúc và chậm nhất 30/6 phải giải ngân hết kế hoạch vốn được phân bổ, không để xảy ra nợ đọng cơ bản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương sớm xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân vốn năm 2025, rà soát cụ thể các khoản vốn không thể giải ngân và báo cáo về cơ quan chủ trì. Những nguồn vốn có khả năng giải ngân phải xử lý triệt để.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng tốc triển khai, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn để đảm bảo tiến độ giải ngân và hiệu quả thực hiện các CTMTQG trong năm 2025...

THANH DUYÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tap-trung-thao-go-kho-khan-giai-ngan-von-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-130445.html