Vì sao hàng loạt dự án FDI ở Hà Tĩnh chậm tiến độ?

Hà Tĩnh là một trong những địa phương hàng đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều dự án FDI đang chậm tiến độ do vướng mắc chính sách và giải phóng mặt bằng cần có phương án tháo gỡ.

Ngày 22/5, Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết: Nhiều dự án đầu tư trên địa bàn đã được phê duyệt nhưng không thực hiện hoặc chậm tiến độ, đắp chiếu, dẫn tới thất thoát, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư.

Dự án cầu cảng số 5, số 6 Vũng Áng, nhà đầu tư Singapore là một trong số các dự án đang bị chậm tiến độ.

Dự án cầu cảng số 5, số 6 Vũng Áng, nhà đầu tư Singapore là một trong số các dự án đang bị chậm tiến độ.

Theo số liệu từ Sở Tài chính, tổng số 75 dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng tiến hành rà soát thì có 17 dự án thuộc nhóm 3 - nhóm dự án chậm tiến độ xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, khó có khả năng hoàn thành, khắc phục.

Lý giải cho việc dự án chậm tiến độ kéo dài, ông Wan Wean, đại diện nhà đầu tư thứ cấp dự án Đại Việt Mỹ, cho biết: "Cơ chế, chính sách về đất đai áp dụng đối với lĩnh vực FDI vẫn còn những vướng mắc nhất định, dẫn đến bất hợp lý về cách tính giá đất, thời gian giao đất, chế độ đền bù tài sản trên đất để bàn giao mặt bằng kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ và nguồn vốn của nhà đầu tư".

Đại diện nhà đầu tư về lĩnh vực vật liệu xây dựng, cho rằng: "Những quy định thủ tục hành chính còn thiếu tính đồng bộ, nhiều quy định về thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu về tính rõ ràng, minh bạch, nhất là các quy định về yêu cầu, điều kiện của thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các văn bản hướng dẫn đối với các hoạt động kinh doanh, xuất - nhập khẩu thiếu sự cụ thể và chi tiết đã gây không ít khó khăn cho hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài".

Ngoài ra, mức độ hỗ trợ đối với các nhà đầu tư còn hạn chế, thụ động, nhất là mức độ hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng và liên quan đến chính sách đất đai, cũng như hỗ trợ thực hiện dự án sau khi được cấp phép có tiến độ triển khai chậm, nhiều văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, đẩy nhà đầu tư vào thế lúng túng khi triển khai dự án.

Thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, còn 24 dự án đầu tư có sử dụng đất đang tồn tại một số khó khăn, vướng mắc về đất đai trên địa bàn các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh thuộc thẩm quyền xử lý của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh. Đặc biệt trong 19 dự án FDI chậm tiến độ, hiện đã xử lý vi phạm hành chính 8 dự án và yêu cầu Nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý để triển khai thực hiện dự án.

Formosa Hà Tĩnh là dự án FDI hoàn thành sớm, mang lại hiệu quả kinh tế và đóng nộp ngân sách lớn cho tỉnh Hà Tĩnh.

Formosa Hà Tĩnh là dự án FDI hoàn thành sớm, mang lại hiệu quả kinh tế và đóng nộp ngân sách lớn cho tỉnh Hà Tĩnh.

Trước những nguyên nhân, vướng mắc nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các Sở, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, xử lý theo thẩm quyền, theo lộ trình, đảm bảo các dự án triển khai hoàn thành đúng tiến độ; đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc

Đối với các dự án thuộc nhóm 3 như kết quả rà soát, tổng hợp của Sở Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu xử lý dứt điểm chậm nhất trong tháng 6/2025.

Chia sẻ với PV Báo Xây dựng, ông Phạm Văn Tình, Phó ban Quản lý Khu kinh tế cho biết: "Thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án, đưa vào vận hành khai thác là chiến lược lớn, nhất quán của tỉnh. Thực tế cho thấy, nhờ quyết liệt triển khai xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Hà Tĩnh đã thu hút được nhiều dự án FDI đầu tư trực tiếp lớn, trọng điểm quốc gia.

Các dự án khi hoàn thành đi vào hoạt động đã tạo đột phá cho tăng trưởng ngân sách, tạo động lực bền vững cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Về nguyên nhân chậm tiến độ, một phần do nhà đầu tư chưa phối hợp tốt trong hoàn thiện thủ tục đầu tư và chuẩn bị nguồn lực GPMB. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng hướng thu hút các nhà đầu tư hạ tầng KCN, CCN mạnh mẽ hơn.

Bởi việc hình thành mặt bằng sạch từ các KCN, CCN sẽ hạn chế được nhiều khó khăn phát sinh riêng lẻ; đồng thời thu hút dự án trực tiếp hiệu quả hơn do các nhà đầu tư hạ tầng có sẵn nguồn nhà đầu tư thứ cấp và có cách vận động đầu tư hiệu quả".

Tuyết Mây

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/vi-sao-hang-loat-du-an-fdi-o-ha-tinh-cham-tien-do-192250522181343771.htm