Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững
Sáng 1-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Quốc hội cũng thảo luận về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Tham dự phiên thảo luận có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Nhiều bất cập, yếu kém của nền kinh tế
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) làm rõ 5 vấn đề mà nền kinh tế nước ta cần khắc phục ngay để phát triển bền vững hơn thời gian tới. Cụ thể, vẫn còn một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin. Vấn đề là khi các cá nhân này lâm vào vòng lao lý lại kéo theo nhiều cán bộ quản lý nhà nước chuyên ngành các lĩnh vực đó.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) cho biết, thời gian qua, xuất hiện một số vụ việc, biểu hiện không lành mạnh trong thị trường chứng khoán, trái phiếu, như thao túng thị trường, che giấu thông tin, trục lợi… làm ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục giải quyết triệt để các vấn đề này. Cụ thể, các bộ, ngành cần rà soát các quy định của pháp luật về chứng khoán và phát hành cổ phiếu doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ việc phát hành cổ phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các nghị định liên quan.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) nêu một số hạn chế, yếu kém như chậm trễ trong xây dựng, phê duyệt các quy hoạch; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu; chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đi vào thực tế sản xuất và đời sống còn bộc lộ khiếm khuyết; tính kịp thời, đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong giải quyết vấn đề, thực hiện thủ tục vẫn còn bất cập. Vì thế, đại biểu đề nghị đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm và năng lực của bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho biết, hơn 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nền kinh tế bị suy giảm, cộng thêm những ảnh hưởng từ biến động trên thế giới, giá cả nguyên, vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu, liên tục tăng cũng đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là đối với ngư dân vươn khơi bám biển, giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Bên cạnh đó, mặc dù có sự vào cuộc của các ngành trong việc triển khai Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 43 của Quốc hội nhưng vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc khiến cho những chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Kiến nghị các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 6-6,5%, kiểm soát lạm phát 4% trong năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến hai biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực.
Trước mắt, cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là xăng dầu.
Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn hiện nay, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao. Đề cập đến lĩnh vực du lịch, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá rõ hơn kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ, các giải pháp cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trong ngành du lịch. Trong đó, cần làm rõ những vướng mắc, hạn chế và nguyên nhân, đề ra các giải pháp để khắc phục.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa để cử tri, nhân dân được biết và chia sẻ.
Để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực thi hành, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn kéo dài thực hiện Nghị quyết cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn đặt ra. Đồng thời, đề xuất luật hóa quy định về xử lý nợ xấu nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong khi đó, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thời gian tới, chúng ta cần tập trung xây dựng những giải pháp ổn định giá cả từ khâu đầu vào sản xuất, lưu thông; ổn định lãi suất trong chính sách tiền tệ, giảm tối đa các hoạt động làm phát sinh chi phí trung gian trong nền kinh tế; ổn định sản xuất, khuyến khích tiêu dùng, ổn định đời sống cho người lao động.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động can thiệp. Vì thế, cần theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin, xử lý sai phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, doanh nghiệp càng lớn thì trách nhiệm đối với xã hội và nền kinh tế càng phải cao. Bên cạnh đó, rà soát chính sách quản lý đối với các loại thị trường quan trọng này để tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt làm ảnh hưởng đến kênh dẫn vốn của nền kinh tế để không xảy ra những "quả bom" về trái phiếu doanh nghiệp dẫn đến hiệu ứng domino trên thị trường vốn.
Kết thúc phiên thảo luận tại hội trường sáng 1-6, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 29 ý kiến phát biểu sâu sắc, trong có nhiều ý kiến đưa ra các kiến nghị để Chính phủ tập trung triển khai thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, các đại biểu nêu nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến các vấn đề giáo dục, y tế, thị trường bất động sản, chứng khoán… đang thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về hai nội dung quan trọng trên.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) cho rằng, vấn đề áp lực học tập từ nhà trường, từ gia đình đến các học sinh chính là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ, trầm cảm và các vấn đề sinh lý khác cho học sinh và sinh viên hiện nay.
Theo đại biểu, giáo dục ở Việt Nam thiếu đi những mô hình trải nghiệm, thiếu những lớp học ngoại khóa gần gũi thiên nhiên, gắn kết tự nhiên, thiếu những không gian xanh hoạt động ngoài trời, thay vào đó là những mô hình quy hoạch các dịch vụ kinh doanh mọc lên ở mọi nơi mà không có không gian xanh theo quy chuẩn. Như vậy, giới trẻ thiếu sự vận động tự nhiên ngoài trời, thay vào đó là những không gian gò bó, cùng áp lực thành tích ảo, chỉ tiêu ảo do gia đình và nhà trường tạo ra.
Từ đó đại biểu kiến nghị: “Thiết nghĩ học tập không chỉ từ phía gia đình, nhà trường mà còn ở cả xã hội, do đó cần xây dựng mô hình công cộng nhiều hơn để giải tỏa vấn đề áp lực tới trường. Việc học tập và vui chơi chung ở cộng đồng là rất cần thiết trong việc kích thích tương tác, phát triển khả năng tư duy sáng tạo và giải trí của giới trẻ. Từ đó tránh được những áp lực nhiều phía cho học sinh, phụ huynh và thầy cô…".
Tổ chức thẩm định giá được trao chức năng quá lớn
Phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 1-6 về những tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) chỉ rõ 4 vấn đề nổi lên: Tình trạng thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất lên cao; tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng để dìm giá tại nhiều phiên đấu giá đất; “bắt tay ngầm” rút ruột tài sản Nhà nước; có sự móc ngoặc trong thẩm định giá.
Đại biểu nêu rõ, thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng trong đấu giá đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, pháp luật đã trao cho tổ chức này chức năng quá lớn, trong khi cơ chế kiểm soát lại hết sức lỏng lẻo. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều sai phạm trong thẩm định giá nói chung và thẩm định giá đất nói riêng.
Nêu rõ những chiêu trò “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng dìm giá, thắng thầu bỏ cọc, đánh võng giá đất, thổi giá đất nêu trên đã gây ra những hệ lụy rất lớn với kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần phải mạnh tay xử lý. Theo đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với hoạt động này; đồng thời, kiến nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất để xác minh, điều tra làm rõ nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong hoạt động này.