Tập trung thống nhất thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong toàn hệ thống Công đoàn

Sáng 13/9, Đoàn công tác liên ngành do đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập'.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Đồng chí Vũ Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Vũ Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, có đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Mạnh Kiên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được tập trung thống nhất thực hiện trong toàn hệ thống. Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 69/KH-TLĐ triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư trong các cấp công đoàn. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác đào tạo cán bộ công đoàn, tuyên truyền, vận động đoàn viên người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã gắn việc triển khai, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW với việc triển khai, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 231/QĐ-TTg và Quyết định số 1268/QĐ-TTg về đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp.

Công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đổi mới, chọn lọc về nội dung, đa dạng về hình thức; đã tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội để tuyên truyền; xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay. Nhận thức của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động về học tập suốt đời từng bước được nâng lên. Tổng Liên đoàn ban hành Chương trình truyền thông công đoàn, xác định cần kết hợp hài hòa giữa truyền thông chính trị, truyền thông chính sách và truyền thông hình ảnh; bên cạnh truyền thông về hoạt động công đoàn, cần đẩy mạnh truyền thông về các nội dung, vấn đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm; thông qua truyền thông công đoàn, phải đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động; trong đó có nội dung khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời của công nhân lao động.

Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng liên đoàn thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về chế độ đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc, kể cả đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài đối với cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn.

Các đại biểu trao đổi bên lề buổi làm việc.

Các đại biểu trao đổi bên lề buổi làm việc.

Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới chương trình đạo tạo, hình thức đào tạo ngày một đa dạng hơn. Hiện nay, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn có 03 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp và 03 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; đổi mới chương trình, nội dung, tài liệu, phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, linh hoạt, liên thông dựa trên mô đun, tín chỉ và các quy đổi tương đương, đáp ứng chuẩn đầu ra và khối lượng học tập tối thiểu; đào tạo các ngành, nghề mới; ứng dụng công nghệ mới; chú trọng hình thức vừa làm vừa học ở trình độ trung cấp, cao đẳng; học nghề tại nơi làm việc; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên; đẩy mạnh triển khai liên kết nhà trường và doanh nghiệp. Áp dụng phương pháp đánh giá bằng điểm số, kết hợp quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên, học sinh; đổi mới khâu ra đề; đẩy mạnh kiểm định chất lượng và công khai kết quả kiểm định; tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm. Bình quân hàng năm, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn đào tạo, dạy nghề cho hơn 40 nghìn lượt người lao động.

Công đoàn cơ sở đã chủ động tuyên truyền, vận động, đối thoại, thương lượng người sử dụng lao động tạo điều kiện về thời gian, kinh phí hỗ trợ công nhân lao động và con công nhân lao động học tập.

Trong 5 năm vừa qua, các cấp công đoàn đã tổ chức 789.498 cuộc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến 71.019.385 lượt đoàn viên, người lao động. Tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đến 21.596.529 lượt công nhân lao động.

Hình thức tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời của công nhân lao động ngày càng đổi mới với nhiều hình thức đa dạng. Đó là việc biên soạn và phát hành tài liệu phù hợp với trình độ người lao động và cán bộ công đoàn cơ sở; công đoàn cơ sở thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân học tập nâng cao trình độ, phối hợp tổ chức đào tạo nghề, thi tay nghề, thi thợ giỏi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ, bảng tin, tờ tin… tại doanh nghiệp ; Sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng của tổ chức Công đoàn như Báo Lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn. Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân...; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội để tuyên truyền; tổ chức nhiều cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật, văn hóa trong đoàn viên, người lao động; đối thoại, thương lượng để người sử dụng lao động tạo điều kiện cho công nhân lao động được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vào thỏa ước lao động tập thể, với khoảng 15.418 doanh nghiệp (đã có tổ chức công đoàn) thực hiện. Tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài hỗ trợ công nhân và con công nhân nghèo hiếu học, với khoảng 6.489 doanh nghiệp (đã có tổ chức công đoàn) thực hiện.

Tại buổi làm việc, các ý kiến, tham luận đã tập trung làm rõ một số nội dung xoay quanh việc thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở các cấp công đoàn như: Tuyên truyền, vận động nữ đoàn viên, người lao động học tập suốt đời; chăm lo cho con công nhân viên chức lao động học tập; công tác đào tạo trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức công đoàn; công tác tuyên truyền về học tập suốt đời trong công nhân lao động, góp phần xây dựng xã hội học tập; công tác biểu dương, khen thưởng con cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chăm ngoan, học giỏi; công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và công nhân lao động tại doanh nghiệp…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Vũ Thanh Mai đánh giá cao những kết quả mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như các cấp công đoàn đã đạt trong việc thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.

Đồng chí Vũ Thanh Mai nhấn mạnh, Đoàn công tác sẽ tiếp thu nghiêm túc, tổng hợp ý kiến đề xuất, góp ý, kiến nghị, để hoàn thiện Báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục có sự chỉ đạo về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời gian tới.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời gian tới trong hệ thống các cấp công đoàn, đồng chí Vũ Thanh Mai đề nghị, cần lưu ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Theo đó, cần tiếp tục khẳng định vai trò của học tập suốt đời, khuyến khích mỗi cá nhân trong xã hội, đặc biệt là công nhân viên chức lao động, coi việc học tập là nhu cầu thiết yếu để thích ứng với yêu cầu mới của thị trường lao động.

Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan giáo dục, đào tạo và các doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của người lao động và thị trường.

Thứ ba, cần có đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động trong việc học tập, nâng cao trình độ. Cần có các gói hỗ trợ tài chính, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Thứ tư, tiếp tục phát triển các mô hình học tập trực tuyến, học tập linh hoạt để người lao động dễ dàng tiếp cận kiến thức mọi lúc, mọi nơi.

Thu Hằng

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/tap-trung-thong-nhat-thuc-hien-cong-tac-khuyen-hoc-khuyen-tai-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-trong-toan-he-thong-cong-doan-156424