Tập trung thu mua và chế biến nguyên liệu sắn phục vụ xuất khẩu
Chuẩn bị cho vụ chế biến nguyên liệu sắn 2023-2024, Công ty CP Vật tư tổng hợp Thanh Hóa đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hóa nhằm đảm bảo môi trường; nâng cấp mở rộng nhà kho khoảng 3.200m2; rải nhựa đoạn đường nối từ đường Hồ Chí Minh vào nhà máy; bảo dưỡng các dây chuyền sản xuất; phối hợp với các địa phương vùng nguyên liệu có giải pháp thu mua hết nguyên liệu sắn phục vụ chế biến, xuất khẩu... Từ ngày 4-11-2023, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân (thuộc Công ty CP Vật tư tổng hợp Thanh Hóa) vào vụ chế biến 2023-2024.
Thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến tại Nhà máy Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân.
Vùng nguyên liệu phục vụ công ty chế biến niên vụ này có hơn 3.600 ha, chủ yếu ở huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân và một số diện tích ngoài vùng. Niên vụ này bà con nông dân trồng và chăm sóc sắn đúng quy trình kỹ thuật, năng suất đạt khoảng 18 đến 20 tấn củ tươi/ha. Người dân trồng sắn nguyên liệu trong vùng đã được nhà máy đầu tư ứng trước vật tư, phân bón, công chăm sóc; chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng và chăm bón giống sắn mới; ký hợp đồng thu mua sắn với các chủ hợp đồng trong vùng nguyên liệu.
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp khắc phục khó khăn, thực hiện mục tiêu công ty đã đề ra trong sản xuất, kinh doanh niên vụ 2023-2024, đồng chí Vương Tiến Sỹ, Trưởng Phòng Kế hoạch - Kinh doanh Nhà máy Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân, cho biết: Ban lãnh đạo Công ty CP Vật tư tổng hợp Thanh Hóa đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, khắc phục khó khăn về nguồn nguyên liệu do nguyên liệu trong vùng chỉ đáp ứng được gần 70% nhu cầu cùng những khó khăn về nguồn vốn và thủ tục xuất khẩu... Đồng thời, huy động nguồn lực tài chính chủ động thu mua hết sản lượng sắn trong vùng nguyên liệu theo hợp đồng. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đã có giải pháp bảo quản sản phẩm sau chế biến bảo đảm chất lượng. Chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ hết sản phẩm tinh bột sắn, để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho vụ chế biến mới. Phát động cán bộ, công nhân tập trung làm việc hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, mục tiêu là thu mua kịp thời, hết sản lượng sắn nguyên liệu trong vùng cho bà con, đáp ứng yêu cầu sản xuất của nhà máy, hài hòa lợi ích cho người nông dân và doanh nghiệp.
Được biết, đầu vụ chế biến 2023-2024 nhà máy thu mua nguyên liệu với giá 2.600 đồng/kg (tại nhà máy), sau đó tùy thời điểm đã tăng giá thu mua lên 2.700 - 2.800 đồng/kg. Nhiều chủ hợp đồng sắn và người dân trong vùng nguyên liệu sắn Tây - Nam mà chúng tôi có dịp tiếp xúc phấn khởi, cho biết: cây sắn có ưu thế đầu tư vốn ít lại được huyện, doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện đã thực sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo và nếu trồng bằng các giống sắn mới, thâm canh đúng quy trình kỹ thuật thì các hộ trồng sắn thu lãi khá cao.
Niên vụ chế biến 2023-2024, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân đã tạo việc làm ổn định, cải thiện thu nhập cho 110 cán bộ, công nhân; hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước. Tính đến trung tuần tháng 1/2024, nhà máy đã thu mua được gần 23.000 tấn sắn củ tươi, chế biến được trên 6.000 tấn tinh bột. Nhà máy Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân phấn đấu đến đầu tháng 4/2024 (kết thúc vụ chế biến) thực hiện mục tiêu thu mua gần 100.000 tấn sắn củ tươi, sản xuất khoảng 25.000 tấn tinh bột, đạt doanh thu trên 300 tỷ đồng.
Cùng với triển khai các giải pháp thu mua hết nguyên liệu trong vùng phục vụ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân đã và đang triển khai kế hoạch phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân triển khai kế hoạch trồng mới sắn nguyên liệu trong vụ xuân năm 2024. Đồng thời, ký hợp đồng thu mua nguyên liệu sắn tươi cung cấp cho vụ chế biến mới 2024-2025.