Tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng
Ngày 23/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
GDP 9 tháng đạt 4,24%
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.
Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, còn 2,93%...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo Chính phủ chỉ rõ vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc…
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tận dụng tốt cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, lễ, Tết.
Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5 - 4%.
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài.
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt 3 năm liền. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu, các thị trường xuất khẩu lớn giảm hoặc tăng rất thấp.
Trong những tháng cuối năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực và hoạt động của các thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.
Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả năm 2024 như Báo cáo của Chính phủ. Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán ngân sách nhà nước, cân nhắc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội được nêu ra trong báo cáo này, báo cáo của Chính phủ và phải gắn với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Giải quyết việc làm cho người lao động
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày Báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp. Theo đó, cử tri, nhân dân bày tỏ vui mừng, phấn khởi về kết quả và ý nghĩa rất quan trọng của Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, đồng thời đánh giá cao Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời chỉ đạo toàn diện các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Quốc hội và các cơ quan dân cử ngày càng đổi mới, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, đã tập trung cao cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật…
Trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm; giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 5% (tương đương 110 nghìn tỷ đồng)...
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn; triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động; có giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh. Đảng, Nhà nước, ngành Y tế tiếp tục khắc phục các khó khăn, bất cập hiện nay, nhất là khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Cử tri bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước. Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã góp phần quan trọng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cử tri và nhân dân kiến nghị với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá tổng thể các nguy cơ về thiên tai, sạt lở đất, cháy nổ, an toàn hồ đập, an toàn giao thông, an toàn khi tổ chức các sự kiện có đông người... để có giải pháp phù hợp, chủ động đề phòng và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn cho người dân… Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp hiệu lực, hiệu quả hơn nữa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống…
99,5% kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời
Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%.
Nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.
Về một số hạn chế, Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ, việc gửi Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ 5 của một số đoàn đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp chuyển lên yêu cầu các cơ quan ở Trung ương giải quyết... Bên cạnh đó, quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người dân bị ảnh hưởng do bộ, ngành chậm xây dựng, trình ban hành quy định.
Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị của cử tri; đảm bảo đúng thẩm quyền xử lý của các cơ quan ở Trung ương; gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những tồn tại, hạn chế đã nêu; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri...