Tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện Lấp Vò triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Đồng thời gắn sản xuất liên kết với tiêu thụ; từng bước chuyển đổi số trong nông nghiệp...
Theo UBND huyện Lấp Vò, trong năm 2023, huyện triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo đó, trên cây lúa, toàn huyện có diện tích gieo trồng đạt 29.366,44ha, tăng 0,62% so với năm 2022 (tương ứng tăng 181,94ha) và vượt 1,4% kế hoạch năm 2023; sản lượng đạt hơn 189.756 tấn, tăng 5,93% so với năm 2022 (tương ứng tăng 10.637 tấn), vượt 6% kế hoạch năm 2023; năng suất bình quân đạt 64,6 tạ/ha, tăng 5% so với năm 2022 (tương ứng tăng 3,2 tạ/ha) và vượt 4,7% kế hoạch năm 2023. Sản xuất lúa năm 2023 tăng về diện tích, năng suất, sản lượng và vượt kế hoạch do giá lúa tăng cao và kéo dài cả năm đã khuyến khích nông dân quan tâm đầu tư trong sản xuất, nhất là sản xuất vụ thu đông.
Bên cạnh đó, cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm 65,7%, tăng 6,2% so với năm 2022. Trong năm 2023, diện tích liên kết tiêu thụ 4.800ha, tăng hơn 13% so với năm 2022 (năm 2022 là 4240ha).
Đối với cây hoa màu, năm 2023, toàn huyện có diện tích gieo trồng là 4.860ha, tăng 10% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 438ha) và bằng 109% kế hoạch năm. Năm 2023, tình hình tiêu thụ màu ổn định và tăng nhẹ so với năm 2022, sản xuất mang lại hiệu quả khả quan cho nông dân. Hiện nay, toàn huyện có 108ha khoai môn được chứng nhận VietGAP, có 20ha được chứng nhận an toàn.
Tổng diện tích gieo trồng hoa kiểng năm 2023 của huyện ước đạt 367,5ha, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 15,5ha) và bằng 98% kế hoạch năm. Huyện đã hình thành vùng sản xuất hoa kiểng tập trung ở xã Tân Khánh Trung là 175ha, Long Hưng A là 101ha. Thời gian qua, chương trình khuyến nông phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp đã hỗ trợ thực hiện các mô hình trồng trình diễn về hoa kiểng trên địa bàn các xã: Tân Khánh Trung, Long Hưng A (mô hình trồng hoa hồng, hoa lan, trồng hoa kiểng gắn với du lịch sinh thái).
Ngoài ra, trong năm 2023, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lấp Vò cũng tập trung đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP. Theo đó, toàn huyện hiện có 23 sản phẩm tham gia dự thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm mới và 14 sản phẩm tham gia dự thi để công nhận lại.
Là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, huyện còn tập trung phát triển chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Trong đó, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Rynan tổ chức 2 lớp tập huấn giới thiệu về phần mềm chuyển đổi số ngành nông nghiệp của tỉnh và hướng dẫn nhập dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn vào nền tảng chuyển đổi số. Đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức cho các cấp quản lý (huyện, xã) tự động hóa trong quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thủy sản, phát triển nông thôn, thủy lợi, lâm nghiệp, nông thôn mới, OCOP. Kết quả, 100% cán bộ ngành nông nghiệp được triển khai tập huấn thao tác, nhập được hệ thống dữ liệu thống kê ngành nông nghiệp. Cùng với đó, huyện triển khai báo cáo thống kê số liệu ngành nông nghiệp trên nền tảng VDAPES.COM. Đến nay, có 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện áp dụng thực hiện...
Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển thêm các sản phẩm chủ lực, hình thành và phát triển bền vững vùng sản xuất nông, thủy sản quy mô tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị của từng loại sản phẩm. Từng bước tiến hành tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, phát triển kinh tế vườn, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh về thương hiệu và hiệu quả sản xuất, từng bước tiếp cận và đạt tiêu chuẩn xác nhận một số loại sản phẩm. Tập trung phát triển hợp tác xã, tăng cường các hoạt động liên kết tiêu thụ nhằm tăng chất lượng nông sản, giảm giá thành, tăng khả năng thích ứng với thị trường. Xây dựng hợp tác xã có đủ năng lực liên kết sản xuất, tiêu thụ, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng và tiêu thụ nông sản cho các thành viên. Hỗ trợ chuẩn hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm tiêu biểu để phát triển thành sản phẩm OCOP...”.