Tập trung thực hiện mô hình phòng, chống bạo lực gia đình

Những năm qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) hiệu quả. Bằng việc triển khai thực hiện Dự án 8 về 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giai đoạn I từ 2021-2025, các hoạt động phòng, chống BLGĐ càng có ý nghĩa thiết thực hơn. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng chiến dịch truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình được Hội LHPN tỉnh tổ chức tại huyện Đakrông -Ảnh: V.T.H

Một tiết mục văn nghệ chào mừng chiến dịch truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình được Hội LHPN tỉnh tổ chức tại huyện Đakrông -Ảnh: V.T.H

Bám sát Kế hoạch hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các nghị quyết của HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Trị về việc triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN hằng năm, Ban Thường vụ (BTV) Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng và kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, kế hoạch triển khai Dự án 8.

Hội LHPN 5 huyện thực hiện Dự án 8 đã bám sát kế hoạch chỉ đạo cấp trên và xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động của đơn vị mình, đã chủ động lồng ghép việc thực hiện các nội dung của dự án vào các nội dung hoạt động của hội, góp phần thực hiện phát triển KT-XH tại địa bàn vùng DTTS&MN.

Để thực hiện nội dung của Dự án 8 về xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em (PN&TE), BTV Hội LHPN tỉnh lựa chọn mô hình can thiệp, hỗ trợ chủ đạo là “Địa chỉ tin cậy” (ĐCTC).

Ban hành các hướng dẫn xây dựng mô hình ĐCTC; chỉ đạo xây dựng mô hình điểm tại 4 xã điểm thực hiện Dự án 8. Việc xây dựng thành lập các mô hình ĐCTC và các hoạt động truyền thông tại cộng đồng đã nhận được sự phối hợp hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự đón nhận, tham gia của người dân.

Bước đầu đã đi vào vận hành hoạt động, góp phần nâng cao nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, hội viên, người dân vùng DTTS trong phòng, chống BLGĐ, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Ban điều hành ĐCTC một số thôn, bản đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền, truyền thông giới thiệu ĐCTC, tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ đến hội viên phụ nữ và người dân.

Kết quả bước đầu đã nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, ban điều hành và tình nguyện viên mô hình. Cùng với việc khảo sát, vận động thành lập mô hình, các cấp hội đã tập trung tập huấn, hội thảo, tham vấn, hướng dẫn để nâng cao năng lực cho Ban điều hành, thành viên mô hình ĐCTC. Hội LHPN tỉnh tổ chức 5 lớp tập huấn, tham vấn triển khai hướng dẫn xây dựng kế hoạch thành lập mô hình ĐCTC cho gần 330 cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện, xã và các ngành liên quan.

Các cấp hội cũng tổ chức 14 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, các kỹ năng hỗ trợ nạn nhân cho ban điều hành, chủ ĐCTC với gần 950 người tham gia. Hội LHPN tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông về phòng, chống BLGĐ cho gần 200 thành viên ĐCTC.

Hội LHPN tỉnh đã cấp phát hơn 300 tài liệu hướng dẫn thành lập và vận hành ĐCTC, tờ rơi về quy định cơ sở trợ giúp phòng, chống BLGĐ làm tại liệu sinh hoạt cho Ban điều hành ĐCTC. Đến nay, các cấp hội đã xây dựng 39 ĐCTC tại các xã của huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh.

Để thuận lợi cho các chủ ĐCTC trong quá trình hoạt động, Hội LHPN tỉnh và huyện đã trao hỗ trợ các trang thiết bị cho 35 ĐCTC thuộc 25 xã. Hội LHPN huyện Đakrông tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền, giới thiệu ĐCTC đến hội viên phụ nữ và người dân tại 10 xã, thị trấn có mô hình ĐCTC ở cộng đồng, có 1.000 người tham gia.

Các Ban điều hành ĐCTC đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền, truyền thông giới thiệu ĐCTC đến 3.120 lượt hội viên phụ nữ và người dân; tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ; phòng, chống BLGĐ trên cơ sở giới đến 1.750 lượt người dân trong cộng đồng.

Cùng với xây dựng thành lập các mô hình ĐCTC; các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa BLGĐ nâng cao nhận thức, thái độ cho cán bộ các cấp và nam giới về thực trạng BLGĐ, vai trò tham gia phòng, chống BLGĐ tại các địa phương.

Tổ chức 11 chiến dịch truyền thông về BĐG, phòng, chống BLGĐ, xây dựng môi trường an toàn cho PN&TE quy mô cấp huyện, cụm xã và 4 trường Tiểu học, THCS có hơn 2.000 người tham gia. Hội LHPN huyện Đakrông, Hướng Hóa tổ chức 15 sự kiện truyền thông về BĐG, phòng chống tảo hôn, BLGĐ có 1.650 người tham gia. Tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sau khi kết thúc chiến dịch truyền thông có 112 người tham gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện mô hình ĐCTC vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: các ĐCTC mới thành lập, chưa được tập huấn nhiều về quy trình hỗ trợ nạn nhân, các kỹ năng truyền thông, kỹ năng hỗ trợ nạn nhân của thành viên mô hình còn hạn chế. Chủ ĐCTC người DTTS nên cơ sở vật chất hạn chế như: không có phòng riêng, do đó rất khó để hỗ trợ nếu có trường hợp bị bạo lực.

Do tư tưởng an phận, nên nhiều chị em bị bao lực chưa tìm kiếm sự giúp đỡ của mô hình ĐCTC. Công tác truyền thông giới thiệu về ĐCTC đến với người dân và cộng đồng chưa thu hút, nên vẫn còn người dân chưa biết đến ĐCTC, chưa hiểu rõ về cơ chế và cách thức hỗ trợ của ĐCTC...

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thị Quế Phượng cho biết: Thời gian tới, các cấp hội chú trọng các hoạt động đảm bảo sự bền vững của ĐCTC, tập trung vào một số nhóm hoạt động như: tiếp tục chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện mô hình ĐCTC tại 5 huyện thực hiện Dự án 8; rà soát, củng cố mô hình ĐCTC tại các huyện ngoài vùng dự án.

Tiếp tục tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho Ban điều hành ĐCTC như: tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, các kỹ năng hỗ trợ nạn nhân cho Ban điều hành, chủ ĐCTC, kỹ năng truyền thông về phòng, chống BLGĐ...

Tiếp tục tổ chức hội nghị, các hình thức tuyên truyền, in ấn tờ rơi, tờ gấp giới thiệu ĐCTC đến hội viên, phụ nữ và người dân.

Tăng cường vai trò truyền thông của ĐCTC, chủ địa chỉ về phòng, chống BLGĐ; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đến cộng đồng. Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động các mô hình ĐCTC; kiểm tra giám sát hoạt động các mô hình theo quy định.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tap-trung-thuc-hien-mo-hinh-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-186125.htm