Tập trung, tích tụ ruộng đất - kiến tạo nền nông nghiệp hiện đại, bền vững (Bài 1): Sức bật cho cuộc cách mạng ruộng đất lần 3
Tập trung, tích tụ ruộng đất - kiến tạo nền nông nghiệp hiện đại, bền vững (Bài 1): Sức bật cho cuộc cách mạng ruộng đất lần 3
>> Bài 2: Những “nút thắt” cần tháo gỡ
>> Bài cuối: Phát huy sức mạnh tổng hợp, vững bước trên đường lớn
Dù đã manh nha từ vài năm trước ở một số địa phương nhưng cuộc cách mạng tập trung, tích tụ ruộng đất trên toàn tỉnh chỉ thực sự bắt đầu khi Nghị quyết 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh được ban hành. Sau hơn 1 năm, với hàng triệu khối đất đào đắp; một lượng lớn ngôi mộ được dời chuyển; nhiều bờ vùng bờ thửa được phá bỏ; những cánh đồng rộng lớn, phẳng lì đã thành hình. Nông dân phấn khởi hoàn thành gieo cấy, đang tích cực chăm sóc lúa xuân và mong ước về một mùa vụ bội thu trong niềm tin, khát vọng mới từ quyết sách lớn của tỉnh.
Cánh đồng tập trung thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc (Lộc Hà) đã vào kỳ đẻ nhánh. Đây là lần đầu tiên, bà con nông dân được sản xuất 1 giống, 1 thời vụ trên cánh đồng bằng phẳng, không còn ranh giới của ô, thửa sau đợt chuyển đổi ruộng đất lần 3, thực hiện từ đầu tháng 10/2022. Gắn bó với ruộng đồng gần hết cuộc đời, đã quen với từng gốc rạ, bờ mương, chưa bao giờ anh Lê Viết Sương (thôn Đông Thịnh) được chứng kiến sự thay đổi lớn cả trên quy hoạch đồng ruộng lẫn trong tư duy sản xuất như bây giờ.
Anh Sương chia sẻ niềm vui: “Tôi gieo cấy vụ xuân trên diện tích gần 4 ha, được tập trung về 2 xứ đồng. Tính ra, thời gian từ làm đất đến xuống giống rút ngắn còn một nửa so với trước. Không chỉ liền thửa, chúng tôi đã sản xuất đồng loạt giống lúa lai BTE1 và Nếp 98, được chính sách hỗ trợ 50% tiền giống. Từ những vụ trước, tôi đã nghe ở nhiều địa phương Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc làm cánh đồng lớn, đã từng ước ao một ngày được băng băng trên cánh đồng rộng lớn của chính mình. Nay mong muốn đã thành hiện thực, cả một cánh đồng không ranh giới, xanh mướt, trải dài tít tắp”.
Không lựa chọn như đa phần các địa phương khác, xã Hồng Lộc thực hiện chuyển đổi 100% diện tích đất nông nghiệp (520 ha) ngay trong năm đầu thực hiện. Nghĩ lại những ngày tháng vất vả vừa qua, từ việc tuyên truyền, vận động bà con đến khảo sát, kiểm đếm, chia lại ruộng…, ông Lê Viết Bình - Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc vẫn không giấu được cảm xúc. “Nhiều người cho rằng, chúng tôi làm liều, thử sức trên diện tích lớn, chuyển đổi một lần 100% diện tích, lỡ không thành công thì trách nhiệm hết sức nặng nề. Vì thế, ngay từ lúc khảo sát, kiểm đếm đất đai, chúng tôi đã làm kỹ, có sự bàn bạc công khai và thống nhất từ BTV Đảng ủy đến bà con nhân dân; xây dựng đề án bài bản và mời Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Tĩnh (Sở TN&MT) cùng phối hợp, xác định diện tích, đo đạc, cắm mốc trước khi giao về cho bà con. Nhờ vậy, đến nay, không có những phát sinh về khiếu nại, bất cập. Điều quan trọng, chuyển đổi ruộng đất lần này chính là cuộc cách mạng mới về quy hoạch lại diện tích đất nông nghiệp gắn với quy hoạch chung của xã, từ đó nâng cao công tác quản lý đất đai, tài nguyên cũng như triển khai các kế hoạch phát triển KT-XH theo lộ trình xây dựng NTM”.
Vụ xuân 2023 là dấu mốc khởi đầu trong việc đưa chủ trương lớn của Tỉnh ủy đi vào thực tiễn. Khắp các địa phương từ Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh đến những vùng khó như huyện Kỳ Anh, Lộc Hà… đều rền vang tiếng máy vỡ đất, những bờ vùng, bờ thửa nhỏ lần lượt được phá bỏ, hạ tầng kênh mương, đường sá được cải tạo, quy hoạch ngăn nắp.
Tại xã Vượng Lộc (Can Lộc), bước sang năm thứ 3 thực hiện, người dân đã thực sự làm chủ trên chính cánh đồng của mình. Chị Vương Thị Nguyệt (thôn Hạ Vàng) chia sẻ: “Sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn hơn 30 ha, từ khâu làm đất, gieo cấy đến chăm sóc (phun thuốc trừ sâu) đều sử dụng máy móc hiện đại. Nhờ vậy, nông dân giải phóng được sức lao động, chất lượng lúa gạo ngon hơn, được giá hơn so với các vùng khác, có HTX ký kết bao tiêu sản phẩm nên không phải lo lắng chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Vụ hè thu 2022, năng suất lúa đạt gần 3,6 tạ/sào, mốc cao nhất từ trước đến nay”.
Theo ông Nguyễn Minh Vỵ - Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc, nếu như những năm 2019-2021, xã chỉ mới tập trung phá bờ vùng, bờ thửa, chỉnh trang, cải tạo đồng ruộng với diện tích gần 200 ha thì từ cuối năm 2022, tinh thần của Nghị quyết 06-NQ/TU cộng với chính sách đồng bộ của tỉnh đã tạo nên quyết tâm mới cho cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, thực hiện dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất trên diện tích 100 ha ở 2 thôn Đông Mỹ và Hạ Vàng. Hiện nay, xã Vượng Lộc có 2 cánh đồng lớn với diện tích 45-50 ha/thửa, thuận tiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất và từng bước xây dựng sản phẩm gạo OCOP của địa phương.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, tổng diện tích thực hiện cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, cho thuê quyền sử dụng đất toàn tỉnh là gần 8.550 ha. Trong đó, diện tích phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn là hơn 5.830 ha, diện tích dồn điền đổi thửa là hơn 2.600 ha, cho thuê quyền sử dụng đất là hơn 117,7 ha. Riêng năm 2023, theo đăng ký của các địa phương, diện tích thực hiện (theo Nghị quyết 06-NQ/TU) là 5.135 ha trên 41 xã, thị trấn.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh cho biết: “So với những năm trước, vụ xuân 2023 đảm bảo tuân thủ thời vụ gieo cấy, tỷ lệ thời vụ tập trung cao, trong đó, nhóm giống chủ lực (sử dụng chủ yếu trên cánh đồng tập trung, tích tụ) gieo cấy cao điểm từ 10/1 - 8/2. 100% diện tích chuyển đổi ruộng đất ứng dụng tối đa cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo cấy; nhiều địa phương đã tiến hành phòng trừ sâu bệnh bằng việc sử dụng máy bay phun thuốc”.
Từ năm 2019, một số địa phương ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên đã thực hiện mô hình phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn. Đến vụ xuân 2021, từ tinh thần của nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Can Lộc gây tiếng vang lớn trên cánh đồng 1 thửa, khi là huyện đầu tiên ban hành nghị quyết về chuyển đổi, tập trung ruộng đất (Nghị quyết 01/NQ-HU về thực hiện Đề án tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2020-2025) thực hiện chuyển đổi trên 1.000 ha từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, dồn điền đổi thửa.
Riêng xã Thuần Thiện, thực hiện “bước nhảy xa” đột phá khi vừa chuyển đổi đất đai, vừa quy hoạch để đo đạc và tiến tới hoàn thành thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trên diện tích 500 ha. Cộng hưởng với tinh thần của Nghị quyết 06-NQ/TU, vụ xuân năm 2023, huyện đăng ký hơn 1.200 ha (gần 800 ha thực hiện chuyển đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cao nhất trong 3 năm lại đây). Trong đó, số ô thửa của vùng trước khi thực hiện đề án là 23.095 thửa, sau thực hiện là 4.868 thửa, giảm 18.227 thửa.
Ông Trần Mạnh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Nghị quyết 06-NQ/TU được ban hành đúng thời điểm địa phương đang vào cao điểm thực hiện tập trung ruộng đất (theo Nghị quyết 01-NQ/HU của huyện), nhờ vậy, đã tạo động lực lớn từ các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên đến người dân. Ngay trong vụ sản xuất đầu tiên (vụ xuân 2021), diện tích phá bỏ bờ thửa nhỏ, tập trung ruộng đất vượt gần 2 lần so với đăng ký, từ 556,55 ha theo kế hoạch lên gần 993,87 ha. Đến nay, toàn huyện đã có 3.400 ha phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, dồn điền đổi thửa, chiếm hơn 36,5% diện tích sản xuất lúa; xây dựng được gần 90 mô hình cánh đồng lớn. Trong 2 năm 2021 và 2022, năng suất trung bình lần lượt là 57 tạ/ha và 55,7 tạ/ha (cao hơn các năm trước khoảng 1,4-2,5 tạ/ha). Hiệu quả kinh tế tăng từ 1,5-2 triệu đồng/ha/vụ so với phương pháp canh tác truyền thống; đặc biệt là làm thay đổi nhận thức, tư duy, tâm lý sản xuất nhỏ lẻ, tùy tiện của người dân, làm nền để Can Lộc tiếp tục là địa phương dẫn đầu trong việc đưa Nghị quyết 06-NQ/TU vào chiều sâu, thực hiện thêm 1.360 ha, trong đó, có hơn 1.280 ha đăng ký xây dựng cánh đồng mẫu; phấn đấu 90% hộ có 1 thửa, số hộ còn lại không quá 2 thửa”.
Đi trên những cánh đồng lúa xuân vời vợi một màu xanh của huyện Thạch Hà mới cảm nhận được thành quả của cuộc cách mạng mới. Những cánh đồng được quy hoạch bằng phẳng; lượt này đến lượt khác, các loại máy móc từ làm đất, cấy lúa đến phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái đã dần thay sức người. Đến nay, địa phương đã phá bỏ bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, tập trung, tích tụ ruộng đất với 2.132,3 ha, chiếm 26,3% diện tích sản xuất lúa, giảm từ 28.320 thửa còn 2.831 thửa; quy hoạch, xây dựng lại cơ bản hệ thống kênh mương, xây dựng 32,2 km các tuyến đường nội đồng.
Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: “Sau chuyển đổi, 100% cánh đồng được bố trí sản xuất các giống lúa mới, chất lượng cao, liên kết doanh nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Quan trọng, cách thức sản xuất mới từng bước thay đổi thói quen trong sản xuất, chuyển từ nhỏ lẻ và gieo cấy truyền thống sang tập trung, đồng nhất về giống, quy trình và sản phẩm, từng bước tăng năng suất lao động và thu nhập cho người dân. Trong năm 2022, huyện có 460 ha cánh đồng lớn liên kết với doanh nghiệp, bao tiêu 1.900 tấn (tương đương 360 ha) cuối vụ”.
Hiệu quả bước đầu ở Thạch Hà đã góp phần lan tỏa quyết tâm của người dân toàn huyện khi 3 xã: Thạch Sơn, Thạch Trị, Thạch Hội thực hiện chuyển đổi 100% đất sản xuất lúa và cây hằng năm với tổng diện tích chuyển đổi 704,67 ha của gần 3.000 hộ dân. Ông Nguyễn Minh Điểm - Trưởng thôn Liên Phố (xã Thạch Hội) chia sẻ: “Cùng với sự chỉ đạo trực tiếp của xã, sự kiên trì, bài bản từng bước, hơn 75 ha đất của thôn với hơn 1.190 thửa đã được chuyển đổi, giảm còn 165 thửa; giao thông, thủy lợi được chỉnh trang lại hoàn toàn, tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất. Vụ xuân năm nay, chúng tôi thực hiện 100% cơ giới hóa từ khâu làm đất đến gieo cấy và phòng trừ sâu bệnh”.
Thời điểm này, các vùng lúa tập trung đang vào cao điểm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đợt 1 vụ xuân 2023. Máy bay không người lái phun thuốc BVTV hoạt động trên những cánh đồng thửa lớn. Ông Trần Xuân Văn (thôn Bắc Trị, xã Thạch Trị) chia sẻ: “Cánh đồng 5 ha, chỉ trong mấy phút đã hoàn thành phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Máy bay không người lái đảm bảo độ phủ rộng của thuốc BVTV, giúp giảm công sức, giảm thời gian và quan trọng là giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất”.
Những cánh đồng lớn, đồng bộ về hạ tầng thủy lợi, giao thông cũng mở ra cơ hội ứng dụng tiến bộ KHKT để sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, mô hình liên kết doanh nghiệp. Nhiều mô hình chuyên canh sản xuất lúa hiện đại được xây dựng như: sản xuất rau - củ - quả công nghệ cao tại xã Đồng Môn; sinh kế “3 trong 1” tại xã Thạch Hạ, cùng thuộc TP Hà Tĩnh; sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ 30 ha ở xã Kỳ Khang; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh); chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa gắn với sản xuất hữu cơ tại xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên); mô hình lúa chất lượng cao của HTX Thương mại, dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng (Can Lộc)… Anh Nguyễn Hữu Quyền - HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mô hình “3 trong 1” vừa sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nuôi trồng các loại thủy sản và mở các dịch vụ sinh thái trên diện tích 5 ha, được tích tụ từ diện tích đất manh mún, thiếu màu mỡ. Nhờ đầu tư KHKT, vụ hè thu 2022, chúng tôi thu 5 tấn lúa/ha; các loại cá và tôm càng xanh, đạt khoảng 6 tấn/vụ, doanh thu trên 400 triệu đồng. HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất thêm hơn 10 ha lúa, cá, tôm và tiến tới phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp”.
Ông Nguyễn Ngọc Hoạch - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Hà Tĩnh đã trải qua 2 lần chuyển đổi ruộng đất (năm 2001, 2009), hoàn thành công tác đo đạc, xây dựng hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Đây là thuận lợi lớn để các địa phương bước vào cuộc chuyển đổi ruộng đất lần 3, tập trung, tích tụ, phát triển nông nghiệp gắn xây dựng NTM theo Nghị quyết 06-NQ/TU. Theo đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 27/1/2022 về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025, tạo sự thống nhất, đồng bộ từ lãnh đạo, chỉ đạo đến hệ thống chính sách, góp phần tạo sức lan tỏa trong Nhân dân. Sau hơn 1 năm thực hiện, theo số liệu của các địa phương đã thực hiện thì số thửa bình quân giảm còn 1,3 thửa/hộ (so với trước đây là 4 thửa/hộ); diện tích bình quân 1 thửa là 3.000 m2 (trước đây là 702 m2/thửa). Toàn tỉnh thực hiện được 19 mô hình theo hình thức thuê đất nông nghiệp để sản xuất và 1 mô hình góp đất để hình thành HTX (50 ha ở xã Vượng Lộc)”.
Qua việc thí điểm ở một số địa phương, hiệu quả kinh tế tăng từ 1,5-2 triệu đồng/ha/vụ so với phương pháp canh tác truyền thống. 100% cánh đồng tập trung áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất, bón bổ sung phân hữu cơ, sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao; việc ứng dụng cơ giới hóa, điều tiết nước thuận lợi hơn.
Việc chuyển đổi, tập trung ruộng đất trên diện rộng đã giúp các địa phương nâng cao công tác quản lý Nhà nước về đất đai; gắn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tích hợp với quy hoạch chung của từng địa phương và của tỉnh. Từ đó, thực hiện tốt quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM. Dẫu vậy, cuộc cách mạng mới về ruộng đất ở Hà Tĩnh đang đối mặt với không ít lực cản cả về khách quan lẫn chính nội tại nền sản xuất.
Bài, Ảnh, Video: Nguyễn Oanh - Thái Oanh - Lê Tuấn
Thiết kế: Thanh hà
(Còn nữa)
>> Bài 2: Những “nút thắt” cần tháo gỡ
>> Bài cuối: Phát huy sức mạnh tổng hợp, vững bước trên đường lớn