Tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội

Thủ tướng đã phê bình các tỉnh chậm triển khai lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, không bảo đảm tiến độ khởi công 2 dự án thành phần thuộc Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trước ngày 30/6/2023.

Nhà thầu Vinaconex đã tập kết phương tiện, máy móc để thi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN

Nhà thầu Vinaconex đã tập kết phương tiện, máy móc để thi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN

Theo Văn bản số 4691/VPCP - CN ngày 23/6/2023 của Văn phòng Chính phủ về tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, sau khi xem xét báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đúng Nghị quyết của Chính phủ, triển khai khởi công các dự án đúng tiến độ; phê bình các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên chậm triển khai lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, không bảo đảm tiến độ khởi công 2 dự án thành phần thuộc Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trước ngày 30/6/2023 theo Nghị quyết của Chính phủ.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đồng ý với kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải về các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung trong thời gian tới.

Trong đó, liên quan đến thành phố Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 Vành đai 4 Hà Nội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần giải phóng mặt bằng thuộc dự án đường Vành đai 4 Hà Nội.

Đơn vị thi công đang hoàn thiện nốt những phần việc cuối cùng để đưa cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc vào khai thác Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN

Đơn vị thi công đang hoàn thiện nốt những phần việc cuối cùng để đưa cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc vào khai thác Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN

UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 đường Vành đai 4 Hà Nội.

Đối với dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh kiểm soát chặt chẽ tiến độ lựa chọn nhà thầu; tập trung, quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng bảo đảm bàn giao 70% diện tích, đáp ứng yêu cầu khởi công trước ngày 30/6/2023.

Đặc biệt, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh khẩn trương hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán dự án thành phần 2.2 và 2.3 đường Vành đai 4 Hà Nội.

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển khai dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội bám sát các mốc tiến độ yêu cầu.

Ngày 25/6, tại Hà Nội, dự và phát lệnh khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, phát triển cơ sở hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm.

Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc và hoàn thành mục tiêu này thì đến năm 2025 chúng ta phải đạt ít nhất là 3.000km.

Điều đó có nghĩa, chúng ta phải làm gần 2.000 km từ nay đến 2025. Trong giai đoạn 2000 - 2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác hơn 1.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 5 năm, cả nước phải làm gấp 2 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm vừa qua.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và vùng Thủ đô./.

Tuyết Mai/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tap-trung-trien-khai-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-tai-ha-noi/296120.html