Tập trung vào bất động sản, Techcombank sẽ ảnh hưởng ra sao nếu thị trường đóng băng?

Đây là câu hỏi được cổ đông đặt ra với Ban lãnh đạo Techcombank tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra sáng nay 20/6 tại Hà Nội.

Quang cảnh cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Techcombank. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Techcombank. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Dư nợ ngân hàng phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản, nếu thị trường này đóng băng sẽ ảnh hưởng thế nào tới ngân hàng? Mặt khác, ngân hàng tập trung vào khách hàng lớn tuy nhiên những doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may, du lịch, hàng không đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ có tác động ra sao?
Đây là những câu hỏi được cổ đông đặt ra với Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra sáng nay 20/6 tại Hà Nội.
Giải đáp những băn khoăn của cổ đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hồ Hùng Anh cho biết: "Ngay từ đầu Techcombank đã xác định rõ là sẽ tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế và phân khúc mà ngân hàng tự tin sẽ kiểm soát tốt và đạt được thị phần lớn nhất. Bất động sản là lĩnh vực từ 5 năm trước đã được ngân hàng xác định ưu tiên, vì lĩnh vực này có những lợi thế và có phát triển nhanh trong những năm vừa qua. Đây cũng là lĩnh vực mà ngân hàng có thể tập trung phát triển, kiểm soát tốt rủi ro".
"Nhìn vào kết quả kinh doanh những năm qua, có thể thấy hiệu quả của chiến lược này", Chủ tịch Hồ Hùng Anh khẳng định.
Theo ông Hồ Hùng Anh, tất cả khách hàng mà Techcombank lựa chọn đều là khách hàng lớn có uy tín hàng đầu trên thị trường.
Hàng không, dệt may, du lịch,... là những ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi COVID-19 và có tác động tới Techcombank nhưng những khách hàng ở các lĩnh vực này tại Techcombank không nhiều.
Đối với lo ngại về nguy cơ thị trường bất động sản đóng băng, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết Techcombank luôn minh bạch tất cả các con số cơ cấu cho vay và chuẩn bị những kịch bản. Đồng thời, các hệ số an toàn theo Basel II (Phiên bản thứ 2 của Hiệp ước Basel) của ngân hàng đều rất cao so với mặt bằng chung. Hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng đang cao nhất hệ thống, lên tới 16%.
Về mục tiêu kinh doanh năm 2020, Techcombank dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều ở mức 13% so với năm trước, nhưng lợi nhuận chỉ tăng nhẹ 1% ở mức 13.000 tỷ đồng.
Giải thích về những con số này, ông Hồ Hùng Anh cho hay đây là kịch bản thận trọng do xuất hiện một số khách hàng chịu tác động bởi dịch bệnh không trả được lãi nên ngân hàng dự trù lợi nhuận chỉ tăng trưởng nhẹ 1%.
Việc thực hiện gia hạn nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 sẽ giúp nợ xấu không tăng nhưng lợi nhuận ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tập trung mạnh vào việc chuyển đổi số khiến chi phí đầu tư gia tăng. Hơn nữa, việc hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu tác động của dịch bệnh khiến biên lợi nhuận ngân hàng sụt giảm.
"Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế của Việt Nam và thế giới sớm phục hồi thì tình hình kinh doanh của ngân hàng sang quý III và IV có thể thay đổi", Chủ tịch Techcombank kỳ vọng.
Năm 2020, Techcombank cũng dự kiến phát hành thêm 4,7 triệu cổ phần phổ thông, tương đương 0,14% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần cho người lao động. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III hoặc quý IV/2020. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Techcombank dự kiến tăng thêm gần 48 tỷ đồng, lên mức 35.049 tỷ đồng./.

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tap-trung-vao-bat-dong-san-techcombank-se-anh-huong-ra-sao-neu-thi-truong-dong-bang/160289.html