Tập trung vào những ngành mới nổi, đưa Việt Nam vươn lên chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Tại buổi Tọa đàm chính sách với Thủ tướng Phạm Minh Chính mang chủ đề 'Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu biến động' được tổ chức sáng 21/9 (giờ địa phương) tại New York nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, các giáo sư, học giả đến từ một số trường đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ đưa ra khuyến nghị tập trung vào những ngành mới nổi, đưa Việt Nam vươn lên chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các giáo sư tham gia đối thoại đến từ Trường Harvard Kennedy, Trường Đại học Columbia; Trường Đại học Yale. Nội dung thảo luận, đối thoại gồm các chủ đề: đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu, các biện pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; thu hút đầu tư chất lượng cao gắn với chuyển giao công nghệ...); thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao sức chống chịu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, bảo đảm an ninh mạng...); vượt qua các thách thức trong phát triển bền vững (tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng với tiểu vùng Mekong, suy giảm đất sản xuất nông nghiệp, năng suất lao động thấp…).
Phát biểu ý kiến tại đối thoại, khái quát tình hình thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cục diện kinh tế và chính trị toàn cầu đang đứng trước những biến chuyển sâu nhanh, rộng nhất trong nhiều năm qua. Những biến chuyển này diễn ra rất nhanh, khó lường, phức tạp và tác động đa chiều; khó khăn, thách thức đối với các quốc gia đang gia tăng. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Bối cảnh này đòi hỏi không chỉ tư duy và tầm nhìn phát triển phù hợp của các quốc gia mà cần những hành động, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời và quyết liệt để có thể hạn chế thách thức và tận dụng được cơ hội trong một thế giới đầy biến động và khó đoán định. Để làm được như vậy, việc tăng cường năng lực phản ứng, chống chịu, thích ứng, quản trị rủi ro và năng lực nội tại của nền kinh tế là đòi hỏi tất yếu và cần thiết đối với Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, đối với các vấn đề toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao đoàn kết và hợp tác quốc tế. Chúng ta chia sẻ quan điểm ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tăng cường hội nhập, liên kết dựa trên luật lệ, hài hòa lợi ích của các bên tham gia, đặt người dân là chủ thể, là trung tâm, là nguồn lực và là động lực cho phát triển; hoan nghênh các nhận xét, đánh giá và khuyến nghị chính sách trong thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và giải quyết các thách thức phát triển toàn cầu như phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh, hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số...
Tại buổi đối thoại chính sách, các giáo sư đã trình bày nhiều ý kiến đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Theo đó, về toàn cầu, môi trường bên ngoài đang ảnh hưởng lớn Việt Nam, như sự dịch chuyển trong tiến trình toàn cầu hóa, Việt Nam trở thành thành viên WTO, thực hiện tự do hóa thương mại, nhưng tiến trình này đang bị dịch chuyển, như vấn đề an ninh trở thành thành tố quan trọng trong thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia.
Có nước tập trung tiêu dùng, kích cầu trong nước; Hoa Kỳ cũng có chính sách kích cầu tiêu dùng. Các giáo sư đặt vấn đề Việt Nam cần tận dụng được xu hướng dịch chuyển đầu tư từ các nước khác sang hay không bởi đây là cơ hội đối với Việt Nam.
Việt Nam cần tận dụng hơn nữa trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng và bán dẫn, phát triển môi trường để ứng dụng AI, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Các nước Đông Nam Á đang gặp thách thức như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam có thể lựa chọn đối tác, nhưng việc phát triển AI trong hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ là rất quan trọng. Việt Nam cần phải giải quyết các vấn đề giai đoạn tới như môi trường đầu tư kinh doanh có được cải thiện hay không. Hiện nay, Việt Nam cần tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài hơn là nguồn lực trong nước.
Việt Nam cần tận dụng hơn nữa trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng và bán dẫn, phát triển môi trường để ứng dụng AI, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Các giáo sư, chuyên gia đều đánh giá, Việt Nam là một trong nước có tốc độ hội nhập kinh tế nhanh nhất thế giới, chắc chắn tăng trưởng của Việt Nam chịu ảnh hưởng của tăng trưởng trên thế giới và khu vực. Trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng kinh tế thế giới năm tới chậm hơn dự báo do ảnh hưởng an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, chiến tranh. Các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á… đều chậm lại. Điều này ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Những biến động về địa chính trị cũng sẽ làm gia tăng chi phí cho nền kinh tế Việt Nam.
Các giáo sư đều khuyến nghị, Việt Nam có khả năng cao thu hút FDI, sản xuất hàng xuất khẩu da giầy, dệt may có xu hướng dịch chuyển sang Bangladesh bởi sản xuất hàm lượng công nghệ thấp không giúp đem lại giá trị gia tăng cho Việt Nam. Do đó Việt Nam cần gia tăng hàm lượng trong nước trong các mặt hàng xuất khẩu của mình, thúc đẩy hơn nữa quy mô hoạt động xuất khẩu, gia tăng giá trị các sản phẩm xuất khẩu để Việt Nam có vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng. Vấn đề là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có kỹ năng. Việt Nam không thể làm một mình.
Việt Nam cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có sẵn, trước hết nâng cao kỹ năng sẵn có của họ. Việt Nam cần nỗ lực hơn để bảo đảm tự cường kinh tế nhưng Việt Nam có vị trí thuận lợi để tận dụng sự dịch chuyển đầu tư. Cần tăng cường kỹ năng cho người lao động, có như vậy mới bắt kịp và vượt các nước trong khu vực.
Việt Nam cần tận dụng lợi thế quan hệ Đối tác chiến lược với Hoa Kỳ đối với ngành công nghiệp giá trị cao như công nghệ, bán dẫn, vươn lên trở thành nhân tố hàng đầu trong chuỗi cung ứng bán dẫn. Việt Nam không cần đi sâu vào sản xuất máy móc, hàng tiêu dùng. Việt Nam cần hợp tác với Hoa Kỳ để sản xuất chip bán dẫn. Việc sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thì không cần thiết đầu tư vào vì nó sẽ được dịch chuyển về các nước khác. Vấn đề là Việt Nam có vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng về bán dẫn hay công nghệ cao.
Đài Loan (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ có kinh nghiệm về sản xuất chip, do đó các chuyên gia đề xuất Việt Nam chỉ nên lựa chọn 2 hay 3 loại chip công nghệ cao. Việt Nam cũng nên mở rộng hợp tác với EU như Anh, Đức, Pháp trong các lĩnh vực này. Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa hoạt động giáo dục đào tạo, có thể phải tăng 10 lần số lượng kỹ sư có tay nghề cao để phát triển ngành công nghệ cao. Trụ cột phát triển ngành công nghệ cao là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi, do đó Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình này.
Việt Nam cần có giải pháp kích cầu trong nước để bù đắp sự sụt giảm bên ngoài. Trong năm nay, năm tới, cần mở rộng không gian chính sách tài khóa để kích cầu trong nước. Việt Nam và nhiều nước đang phải đương đầu thách thức như một số tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam hoạt động chưa được tốt, rồi thị trường bất động sản…
Những khó khăn này cũng gặp ở các nước khác trong khu vực. Cần tăng cường kết nối với các nền kinh tế trong khu vực. Để bảo đảm hiệu quả nền kinh tế thì cần thúc đẩy quá trình cải cách, xây dựng thể chế hiệu quả hơn, khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp nhiều hơn, đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng lớn hơn, giúp Việt Nam có vị thế tốt hơn trong chuỗi cung ứng.
Việt Nam nên tiếp tục có trao đổi và tiếp nhận tư vấn chính sách từ các học giả, tổ chức tài chính quốc tế.
Việt Nam nên tiếp tục có trao đổi và tiếp nhận tư vấn chính sách từ các học giả, tổ chức tài chính quốc tế. Việt Nam cần phải thúc đẩy hơn nữa mạng lưới an sinh xã hội để hỗ trợ nhóm dễ tổn thương trước biến động kinh tế; làm tốt công tác quy hoạch ở các cấp…
Phát biểu ý kiến kết luận đối thoại, Thủ tướng đánh giá cao những trao đổi thẳng thắn của các giáo sư, học giả đã nêu, tập trung vào các vấn đề: Việt Nam cần tranh thủ cơ hội như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Các tập đoàn, tổng công ty cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, thị trường; bên cạnh khó khăn, thách thức, cơ hội cũng xuất hiện, vấn đề là Việt Nam có cách nắm bắt thế nào? Từ đó phải xác định rõ thứ tự ưu tiên.
Các giáo sư đã đề cập Việt Nam ưu tiên ngành mới nổi là kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; đi theo đó là hạ tầng thông tin, năng lượng, xã hội; phải có bước đi phù hợp điều kiện Việt Nam là nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế vừa phải, độ mở nền kinh tế cao, khả năng thích ứng còn hạn chế. Vấn đề là phải có bước đi phù hợp xu thế thời đại, tranh thủ được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ; vấn đề lựa chọn phương hướng, đường lối; vấn đề con người là yếu tố quyết định: vừa phải đào tạo cơ bản, phải có các cơ sở đào tạo phù hợp ở các phân khúc.
Theo Thủ tướng, Việt Nam cần tập trung vào kỹ năng nghề, trước đây là da giày, điện tử, dệt may thì nay phải được nâng cao lên như thiết kế, sản xuất chip bán dẫn... Vấn đề nữa là tổ chức sản xuất, các chuỗi cung ứng để vừa đáp ứng điều kiện của Việt Nam, vừa tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, phải lựa chọn FDI phù hợp hoàn cảnh Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá các giáo sư có nhiều ý kiến bổ ích, phản biện, trên cơ sở đó đưa ra sự lựa chọn phù hợp cho cách quản trị, năng lực của người Việt Nam. Mỗi nước có một cách áp dụng khác nhau tùy hoàn cảnh, điều kiện kinh tế… Nhưng những điều này không tách rời xu thế phát triển của thế giới, để từ đó kết hợp sức mạnh bên trong và bên ngoài, nguồn lực bên trong và bên ngoài.
Thủ tướng chân thành cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được hỗ trợ, chung tay của Đại học Harvard, Đại học Columbia và các cơ sở giáo dục khác của Hoa Kỳ, nhất là về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và tư vấn chính sách.