Tập trung vệ sinh môi trường sau lũ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh đã có mưa rất to, mực nước sông lên cao gây ngập úng nhà cửa, hoa màu tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại những địa phương nước đã rút triển khai ngay các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lũ, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó.
Lũ lớn đổ về gây ngập úng, cuốn theo bùn đất, rác thải từ sông khiến môi trường bị ảnh hưởng. Việc dọn vệ sinh môi trường sau lũ tại các địa phương được sự hỗ trợ, giúp sức tích cực từ lực lượng quân sự, công an kết hợp với sức dân nên công tác vệ sinh nhanh chóng hoàn thành, góp phần ổn định đời sống Nhân dân.
Hạ Hòa là địa phương chịu ảnh hưởng nặng của trận lũ lịch sử, đến nay một số địa phương nước đã rút hoàn toàn, công tác vệ sinh môi trường được khẩn trương tiến hành. Trong trận lũ này, xã Bằng Giã có 180 hộ bị ngập úng, trong đó 140 hộ phải di dời. Từ ngày 11/9, ngay khi nước rút, công tác vệ sinh môi trường đã được triển khai ngay. Đồng chí Lê Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Giã cho biết: “Mưa lũ kéo theo lượng bùn lớn, có nơi dày đến 20-30cm, xã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân, sử dụng máy bơm, máy phát điện để bơm nước thau rửa. Nước rút đến đâu người dân tập trung lau dọn sơ bộ luôn ở đó, tranh thủ khi bùn chưa khô để dội tường nhà, đồ đạc, cấy cối và cào dọn bùn đẩy theo nước ra ngoài. Công tác vệ sinh môi trường, phun khử trùng tiêu độc đến ngày 12/9 ở xã đã cơ bản hoàn thành. Về nguồn nước, các hộ đều sử dụng nước máy nên nguồn nước cho sinh hoạt sau lũ đều được đảm bảo”.
Tại huyện Thanh Ba, có hơn 150 hộ phải di dời do ngập úng, tập trung chủ yếu ở các xã Mạn Lạn, Hoàng Cương, Chí Tiên. Theo đồng chí Hoàng Văn Triệu - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện, tính đến 13 giờ 30 phút ngày 12/9, nước sông đã xuống, các hộ dân đã chuyển về nơi ở cũ là 144/150 hộ. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo các lực lượng và các địa phương hỗ trợ người dân triển khai vệ sinh dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch... tại các khu vực ngập lụt; phối hợp hỗ trợ Nhân dân di chuyển tài sản về nơi ở.
Xã Mạn Lạn có khoảng 200 hộ bị ngập úng, trong đó có gần 60 hộ bị ngập sâu, phải di dời. Đồng chí Nguyễn Xuân Tình - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ chiều 11/9, nước trên sông đã rút, nhiều hộ dân ở nơi cao hơn đã có thể di chuyển đồ đạc, tài sản về nhà và thực hiện dọn dẹp vệ sinh. Do nước lũ ngập 2-3 ngày kéo theo nhiều bùn đất, rác thải nên sáng 12/9, xã huy động lực lượng cùng sự hỗ trợ của đoàn viên thanh niên trong huyện với khoảng 80 người đã cơ bản hoàn thành dọn dẹp vệ sinh môi trường. Cùng với đó, Trạm Y tế xã phối hợp với y tế thôn cấp phát, hướng dẫn các hộ dân phun thuốc khử trùng vệ sinh nhà cửa, chuồng trại, thau rửa và khử trùng nước giếng, tránh dịch bệnh phát sinh sau lũ. Đồng thời trong quá trình dọn vệ sinh nếu có rác thải, cây cối, xác gia súc, gia cầm cuốn từ sông vào tiến hành chôn lấp, vệ sinh theo quy định”.
Chị Hoàng Thị Thúy ở khu Liên Hà, xã Mạn Lạn chia sẻ: “Nước sông dâng cao khiến nhà tôi bị ngập hơn 1m. Nước lũ rút, gia đình tôi được chính quyền địa phương và các lực lượng hỗ trợ dọn dẹp, vệ sinh và được cấp thuốc, hướng dẫn phun thuốc khử trùng. Vì vậy, gia đình tôi yên tâm để ổn định cuộc sống sau lũ”.
Sau lũ là thời điểm mà người dân phải đối mặt với các vấn đề về môi trường do các loại rác thải, chất thải và nguồn nước giếng bị ảnh hưởng. Với sự vào cuộc tích cực của các ngành, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân, môi trường nơi cơn lũ đi qua được nhanh chóng dọn dẹp, khắc phục hậu quả, góp phần ổn định cuộc sống và sản xuất sau lũ.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tap-trung-ve-sinh-moi-truong-sau-lu-218941.htm