Tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới

Với chiến lược phát triển sự nghiệp giáo dục phù hợp và những giải pháp đầu tư đúng đắn, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị có bước phát triển đáng kể cả về quy mô trường lớp lẫn chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, so với yêu cầu chuẩn mới về trường chuẩn quốc gia (CQG) và Luật Giáo dục thì ngành GD&ĐT Quảng Trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tập trung giải quyết để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

 Nhiều trường trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí cũ nhưng không đạt theo tiêu chí mới - Ảnh: T.C.L

Nhiều trường trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí cũ nhưng không đạt theo tiêu chí mới - Ảnh: T.C.L

Toàn tỉnh hiện có 400 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Tính đến năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có khoảng 173.000 học sinh các cấp học và hơn 14.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên (GVNV). Đến năm 2020, toàn ngành có 465 CBCCVC có trình độ sau đại học, trong đó có 4 Tiến sĩ, 461 Thạc sĩ. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực. Các hình thức tổ chức học tập được đa dạng hóa, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống của học sinh. Tích cực chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Năng lực quản lý nhà trường và quản lý dạy, học ngày càng được nâng cao, các kế hoạch, chiến lược được xây dựng với mục tiêu phù hợp, có các giải pháp tương ứng để tổ chức thực hiện...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì hiện nay, ngành GD&ĐT tỉnh vẫn còn những khó khăn cần phải tập trung khắc phục trong vấn đề xây dựng trường đạt CQG theo tiêu chí mới. Trong quá trình xây dựng trường CQG giai đoạn 2015 - 2020, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường đạt CQG được ban hành mới (có hiệu lực từ năm 2018) làm gián đoạn việc tổ chức thực hiện, thay đổi quy trình và các quy định, yêu cầu để công nhận đạt chuẩn đối với các cơ sở giáo dục. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở một số môn học. Tính đến năm học 2020 - 2021, tổng số GVNV toàn tỉnh còn thiếu 622 người so với định mức biên chế. Một số giáo viên bộ môn đặc thù như: Tin học, Tiếng Anh còn thiếu GV, đặc biệt là ở cấp TH và THCS (môn Tiếng Anh thiếu khoảng 245 GV; môn Tin học thiếu khoảng 105 GV); nhân viên phụ trách thí nghiệm, văn thư, thư viện, công nghệ thông tin cũng còn thiếu và không được đào tạo chính quy tạo ra sự mất cân đối về số lượng và cơ cấu loại hình, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện.

Đa số các trường học chưa có nhân viên y tế. Kinh phí đầu tư cho phát triển giáo dục hằng năm đã được quan tâm nhưng còn hạn hẹp. CSVC các trường còn thiếu nhiều hạng mục phục vụ cho công tác dạy học như: Phòng học bộ môn, phòng làm việc, công trình vệ sinh, nhà đa chức năng... Nhận thức về công tác xây dựng trường đạt CQG của một số cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế; chưa có chính sách, giải pháp quyết liệt để triển khai thực hiện. Quá trình sáp nhập các trường TH và THCS trên địa bàn toàn tỉnh làm xáo trộn kết quả đạt chuẩn của các đơn vị. Công tác xã hội hóa giáo dục gặp nhiều khó khăn, chưa xây dựng được cơ chế huy động sự đóng góp của Nhân dân nhằm tăng cường CSVC trường học. Do đó, tính đến năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh mới có 175/368 trường các cấp học đạt CQG theo tiêu chí quy định tại các Thông tư 17,18,19 của Bộ GD&ĐT, đạt tỉ lệ 47,6%. Còn theo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT thì tỉ lệ trường đạt CQG của tỉnh thấp hơn rất nhiều.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; chuẩn hóa, hiện đại hóa về các hoạt động như: Tổ chức và quản lý trường học, CSVC và đội ngũ CBGV..., Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 18/5/2021 về xây dựng trường đạt CQG giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu của tỉnh đặt ra là đến năm 2025, toàn tỉnh có 267 trường đạt chuẩn, đạt tỉ lệ 72,6%. Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phan Hữu Huyện cho biết, trong thời gian tới, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội trong việc triển khai thực hiện và huy động các nguồn lực xây dựng trường đạt CQG với các phong trào thi đua. Tuyên truyền rộng rãi đến CBCCVC và các tầng lớp nhân dân, làm chuyển biến tư tưởng, nhận thức, hiểu rõ về việc xây dựng trường đạt CQG nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm vào cuộc, trong đó ngành GD&ĐT là lực lượng nòng cốt.

Kiện toàn công tác tổ chức, kiểm tra việc thực hiện xây dựng trường đạt CQG, trong đó có thành lập ban chỉ đạo xây dựng trường đạt CQG các cấp, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá định kỳ, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm ở từng đơn vị. Trên cơ sở đó, đề xuất và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia phù hợp với quy hoạch phát triển ngành GD&ĐT đến năm 2025 và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo yêu cầu của các cấp học, đảm bảo các quy định về chức danh nghề nghiệp và trình độ đào tạo. Rà soát, điều chuyển hợp lý đội ngũ giáo viên hiện có trong phạm vi huyện, thị xã, thành phố để cân đối tỉ lệ giáo viên giữa các trường.

Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đổi mới đồng bộ phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Phát huy hiệu quả của phòng học bộ môn, thư viện, thiết bị, phòng chức năng khác để hỗ trợ tích cực cho dạy học. Giữ vững kỷ cương, nền nếp trong các hoạt động giáo dục của nhà trường; phát huy hơn nữa mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh.

Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học; quy hoạch mạng lưới trường, lớp hợp lý ổn định lâu dài, phù hợp với tình hình biến động dân số và tốc độ phát triển KT - XH của địa phương. Thực hiện dân chủ trong trường học; công khai, minh bạch về tài chính, tài sản, chất lượng giáo dục đào tạo. Các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, đoàn thể tăng cường công tác chăm lo cho sự nghiệp phát triển giáo dục. “Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh, các cơ quan có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch giai đoạn và từng năm, đồng thời, tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt CQG trong toàn ngành.

Trên cơ sở các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển GD&ĐT, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cân đối, bố trí nguồn vốn và phân kỳ tổ chức thực hiện đảm bảo yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc sở xây dựng và triển khai kế hoạch trường đạt CQG ở đơn vị, địa phương. Chịu trách nhiệm kiểm tra, thẩm định và trình UBND tỉnh quyết định công nhận trường đạt CQG theo quy định”, ông Phan Hữu Huyện cho biết thêm.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=167024&title=tap-trung-xay-dung-truong-dat-chuan-quoc-gia-theo-chuan-moi