Tập truyện trinh thám 'Muội tro' của nhà văn trẻ
Tập truyện trinh thám 'Muội tro' (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, 2022) của tác giả Võ Chí Nhất gồm 10 truyện, và chỉ dùng một nhân vật chính xuyên suốt là cô Cảnh sát hình sự trẻ Hà 'ớt' - một nhân vật nữ chính đầy ấn tượng, không cứng nhắc và cũng không rập khuôn. Một tín hiệu đáng mừng cho dòng văn học trinh thám nước ta.
Võ Chí Nhất sinh ra và trưởng thành tại huyện Củ Chi, TPHCM và chính thức bắt đầu văn nghiệp của mình vào năm 2013. Tiểu thuyết lịch sử đầu tay Hoàng Cung được trình làng năm 2016, sau đó, Nhất chuyển sang chuyên viết về mảng đề tài cảnh sát và tội phạm theo đúng nghề nghiệp mà bản thân đang theo đuổi. Vì anh thấy rằng người viết phải bắt đầu từ những điều gần gũi, am hiểu nhất. Sau đó, cứ đều đặn hai năm anh cho ra đời một cuốn sách.
Theo Nhất, viết truyện trinh thám như đan một cái áo len, phải hết sức tinh tế và tỉ mỉ. Đặc biệt trong thủ pháp cài đặt tình tiết và dẫn dắt người đọc. Nhất cho rằng, đó là hai phủ pháp quan trọng để truyện chặt chẽ hơn và tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Những câu chuyện được dựng lại trong cuốn Muội tro được chọn lọc từ rất nhiều vụ án được anh sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới và viết trong khoảng 01 năm trở lại đây.
Theo PGS.TS Đặng Anh Đào, một truyện trinh thám hay đòi hỏi phải thật “căng thẳng, bất ngờ”, và Muội tro đáp ứng được những tiêu chí đó. Muội tro được xây dựng từ một câu chuyện có thật, cốt truyện được thêm thắt, xây dựng rất công phu, một trong những đặc điểm nổi bật nhất của thể loại này, và kết thúc bằng một cú twist đầy bất ngờ.
Đơn cử như truyện “Đừng xem đó là bẫy”, người đọc sẽ thấy một câu chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm được viết thật chậm rãi về những bà già yêu đời và câu chuyện rắc rối của họ khi phải cần đến một cái bẫy bằng kẹo mạch nha thơm lừng cùng sự góp mặt của cô cảnh sát hình sự Hà “Ớt” trong bộ trang phục xanh lá mạ…
Truyện “Chuyện ở vườn nho” với một án trong căn phòng đóng kín. Tác giả đã không theo lối mòn của các nhà văn trinh thám cổ điển luôn trung thành với “hung thủ” gây án là động vật (đười ươi, rắn…) thì tác giả đã linh động sử dụng “công nghệ” để tìm ra chiếc nhẫn kỷ vật bị đánh cắp… Hay truyện “Dịch ruồi” có tình tiết phá án bằng côn trùng mới lạ.
Vẫn kiểu kể chuyện hóm hỉnh nhẹ nhàng, nhưng chú trọng về các chi tiết nghiệp vụ mang tính kiến thức khoa học hơn là trực giác thám tử, Muội tro của Võ Chí Nhất đưa người đọc tiếp cận nhận thức muôn thuở “Thiên bẩm chỉ là lẻ loi, lao động mới là phổ quát để đạt được kết quả tốt đẹp”, đặc biệt với công tác điều tra tội phạm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tap-truyen-trinh-tham-muoi-tro-cua-nha-van-tre-5700166.html