Tất bật lo chuẩn bị hàng Tết
Khi Tết đã gần kề, các xưởng sản xuất, siêu thị bận rộn chuẩn bị hàng hóa, thực phẩm. Bên cạnh những háo hức chờ đón một cái Tết 'hồi sinh' sau thời gian dài trầm lắng vì Covid-19, cũng có tâm lý dè chừng khi còn nghi ngại sức mua chưa trở lại.
Làm ngày đêm
Những ngày này, nhà xưởng hơn 4.000m2 sản xuất bánh dừa nướng Mỹ Phương Food tại thôn Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) luôn sáng đèn.
Đây là thương hiệu nổi tiếng của Đà Nẵng, được cấp chứng nhận OCOP 4 sao và đang được xem xét chứng nhận OCOP 5 sao.
Bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc kinh doanh Mỹ Phương Food cho biết, hơn 100 công nhân được huy động để làm ngày đêm.
Với mục tiêu sản lượng hàng Tết tăng 30% so với năm ngoái, đơn vị đã tích cực đi kết nối, quảng bá nên nhận được đơn hàng cao hơn, nhờ vào việc đa dạng hóa sản phẩm.
"Năm nay công ty thiết kế những hộp quà Tết phiên bản đặc biệt kết hợp giữa bánh dừa nướng truyền thống và các loại trái cây tươi, các loại hạt dinh dưỡng, có giá từ 60.000 đồng", bà Nhi nói.
Cũng nhờ chiến lược mới, người nước ngoài hay người Việt ở xa quê hương cũng đặt hàng rất nhiều, góp phần đưa thương hiệu Mỹ Phương tiến ra nhiều thị trường quốc tế như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ba Lan, Nga…
Tương tự, đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) cũng cho biết, công ty đang tập trung sản xuất để có thể cung ứng ra thị trường gần 1.200 tấn thực phẩm tươi sống và gần 4.000 tấn thực phẩm chế biến cho dịp tết Nguyên đán. Sản lượng dự kiến tăng 10% so với năm ngoái.
Chấp nhận giảm lợi nhuận
Không kỳ vọng như Vissan hay Mỹ Phương, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch Tuấn Phương nhận định, khả năng sức mua không bằng năm trước.
Đơn vị này chuyên sản xuất các loại giò, chả, nem chua, thịt xông khói… là những mặt hàng được tiêu thụ nhiều vào dịp Tết nhưng ông Tuấn cho hay, hiện đơn hàng chỉ mới bằng 60% năm ngoái, nhiều mối quen giảm số lượng.
Theo ông Tuấn, trước đây đơn hàng thường có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, nhưng từ sau dịch Covid-19 đến nay không còn theo quy luật do sức mua đã giảm, người nhà sản xuất cũng hoang mang.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng, năm nay, gần như các nguyên vật liệu sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, bún, mì, phở khô... đều tăng, khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn.
Trong khi đó, dự báo sức mua năm nay tương đối chậm, nên để kích thích thị trường, nhiều đơn vị đưa ra mẫu mã mới đa dạng, cố gắng giữ vững giá cả.
Trước lo ngại sức mua chậm, hầu hết doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ giá bán, trường hợp có tăng thì chỉ vài phần trăm. Nhiều doanh nghiệp cũng cố gắng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách mua.
Tăng khuyến mại hút người mua
Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, đầu ra cho các doanh nghiệp thực phẩm đang có xu hướng giảm. Vì vậy, doanh nghiệp phải nỗ lực duy trì các hoạt động khuyến mại.
Đại diện MM Mega Market Việt Nam cũng cho biết, hiện đơn vị đang tất bật chuẩn bị hàng hóa, dự kiến tăng hàng hóa dự trữ dịp Tết lên 40% so với ngày thường.
Nhận định tâm lý người tiêu dùng ngày càng có xu hướng xem xét rất kỹ về giá cả hàng hóa, nên hệ thống này đang tập trung nghiên cứu các chiến lược khuyến mãi dịp Tết.
Ngoài chương trình bình ổn, hệ thống các siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op là Co.opmart, Co.opXtra... cũng triển khai khuyến mại Tết liên tục trong 59 ngày với 3.500 mặt hàng Tết giảm giá mạnh.
Phó tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, đơn vị sẽ chuẩn bị khoảng 10.000 tỷ đồng hàng Tết, tăng 20 - 50% tùy nhóm hàng so tháng kinh doanh bình thường.
Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… Còn lại dành cho thực phẩm, phi thực phẩm và các loại đặc sản Tết.
Đơn vị sẽ tuyển dụng hơn 3.500 lao động thời vụ tại những vị trí như nhân viên bán hàng, thu ngân, marketing, gói quà, bảo vệ, thủ kho, phụ kho, giao hàng tận nhà... để phục vụ cao điểm Tết.
Tuy nhiên lãnh đạo đơn vị này cho biết, dự kiến doanh số Tết Ất Tỵ 2025 chỉ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ. "Đây cũng là điều rất thành công khi xu hướng tiêu dùng của người dân ngày càng tối giản nhu cầu", vị đại diện cho hay.
Tương tự, đại diện Tập đoàn Kido cũng cho biết, năm nay, đơn vị cũng rất "hồi hộp" về mức tiêu thụ Tết bởi rất khó dự báo.
Để đạt hiệu quả cao nhất, năm nay, ngoài 450.000 điểm bán truyền thống, công ty sẽ thực hiện các hoạt động livestream bán hàng và tiếp thị liên kết trên các kênh thương mại điện tử, đồng thời sẽ liên tục theo dõi diễn biến thị trường, điều chỉnh sản xuất, lượng hàng cung ứng để phục vụ mùa cao điểm cuối năm.
Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sẽ tăng trưởng 1 - 4% trong Tết 2025, trong đó khu vực nông thôn có triển vọng tích cực hơn so với đô thị.
Với việc tết Nguyên đán rơi vào tháng 1 Dương lịch, cao điểm mua sắm dự kiến sẽ bắt đầu sớm từ tháng 12, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cơ hội cho hàng Việt lên ngôi
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, dự báo về sức mua sẽ khó chính xác. Những sản phẩm thiết yếu, cần thiết sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong giỏ sản phẩm của người tiêu dùng. Vì thế đa dạng sản phẩm cần định hướng theo giá thành từng phân khúc đối tượng rõ ràng.
"Đặc biệt, doanh nghiệp cần chuẩn bị nhiều mặt hàng giá phải chăng. Đây là cơ hội cho hàng Việt. Hơn nữa, người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục bám sát việc tiêu dùng thông minh, xu hướng mua sắm đã nổi lên từ sau dịch đến nay. Vì vậy, càng thuận tiện, mua hàng dễ dàng sẽ thu hút được khách hàng tốt hơn", ông Lạng nói.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tat-bat-lo-chuan-bi-hang-tet-192241209215148482.htm