Tất bật mở cửa trên trời, dưới đất

Trên trời, tất bật chuẩn bị mở cửa các chuyến bay đón khách du lịch quốc tế; dưới đất, tất bật các đại dự án cao tốc. Cùng lúc, xăng dầu tăng giá, giá đất cũng đầy biến ảo... Để nền kinh tế thực sự hồi phục, Chính phủ đang đối diện với chồng chất áp lực.

Mở cửa du lịch: Sốt xình xịch

Mới hồi đầu tháng 2, mốc thời gian mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cho mở cửa hoạt động du lịch là phấn đấu hết tháng 3 và chậm nhất là 30/4/2022, thì chưa đến hết tháng 2, công cuộc mở cửa này đã trở nên “sốt xình xịch” vì nỗi sốt ruột không mở nhanh thì các nước khác sẽ “ẵm” hết khách. Nếu Việt Nam không khẩn cấp đưa ra thông điệp "mở cửa" sẽ bỏ lỡ cơ hội cực lớn trong phục hồi, tạo bứt phá cho du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng như bỏ lỡ nhịp khơi thông các dòng chảy đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và các nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ thi công dự án Phan Thiết - Dầu Giây, ngày 5/2/2022.

Hồi cuối tháng 1, đồng loạt đại diện các hãng hàng không và một số tập đoàn du lịch lớn nhất Việt Nam cùng đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã viết “tâm thư” kính gửi Thủ tướng với đề nghị khẩn thiết công bố ngay trong tháng 2 “Thời điểm mở cửa Du lịch quốc tế tại Việt Nam”, bởi quyết định mở cửa du lịch quốc tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chính là cơ hội duy nhất để "cứu sống" các doanh nghiệp, "cứu sống" 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành hàng không, du lịch và hàng triệu lao động gián tiếp khác.

Sau 4 tháng thí điểm đón khách quốc tế vừa qua, 9 tỉnh, thành phố đã đón được 9.000 khách quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết phương án ban đầu cho mở lại du lịch là vào dịp 30/4 - 1/5, nhưng sau 3 cuộc hội thảo, ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Bộ thấy rằng có thể mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, theo đúng tinh thần "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19", mau chóng phục hồi, phát triển du lịch nói riêng, kinh tế nói chung, lấy lại thời gian đã mất. Sau 4 tháng thí điểm đón khách quốc tế vừa qua, 9 tỉnh, thành phố đã đón được 9.000 khách quốc tế. Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép tất cả các địa phương đủ điều kiện được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế.

Lấy lại hàng chục tỷ USD đã mất

Mở cửa không chỉ lấy lại thời gian đã mất mà còn phải lấy lại tiền bạc đã mất. Nhưng để mở cửa bình thường, còn hàng loạt hàng rào cần dỡ bỏ. Như về việc cấp thị thực nhập cảnh, Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020, Chính phủ đã có nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế miễn visa này. Hiện, các bộ, ngành đã thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép khi đến thời điểm 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.

Rủi ro thập diện mai phục

Trong khi cả nền kinh tế đang trong quá trình tất bật soạn sửa gượng dậy thì giá xăng dầu… đi trước một bước, ngày 11/2 đã bật dậy với mức tăng cao nhất trong 8 năm qua và xuất hiện hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt cục bộ xăng dầu trên thị trường. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương chủ động hơn trong điều hành, tuyệt đối không được để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi.

Giá xăng dầu đã góp thêm vào nguy cơ bất ổn vĩ mô đang manh nha xuất hiện từ hệ thống tài chính do nợ xấu tăng, bong bóng tài sản bởi sự biến ảo của giá đất đai, trái phiếu, thị trường chứng khoán… Chưa qua 2 tháng đầu năm, đã thấy rủi ro thập diện mai phục cả nền kinh tế.

Dẫu vậy, các dấu hiệu “khỏe” lại cũng ngày càng rõ ràng hơn. Số liệu kinh tế tháng 1/2022 được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi tích cực: Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng khá cao ở tất cả các lĩnh vực; tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 8,6%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021…

Mở cửa du lịch không thể không “sốt xình xịch” khi số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 76,7% so với năm 2019 và năm 2021 giảm 95,9% so với năm 2020, khiến cho nền kinh tế bị thiệt hại hàng chục tỷ USD. Theo ước tính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ riêng năm 2020, Việt Nam đã bị “thổi bay” khoảng 23 tỷ USD vì sự điêu đứng của ngành Du lịch.

Để thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành Du lịch, nhất là du lịch quốc tế trong bối cảnh cả nước đang thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và từng bước mở cửa nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra Công điện yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế an toàn, khoa học, hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh thông tin, truyền thông về việc bảo đảm an toàn cho khách du lịch và thông điệp "Việt Nam là điểm đến an toàn", xây dựng lộ trình cụ thể và thông báo công khai để các chủ thể có liên quan biết, chủ động thực hiện. Trong Chỉ thị số 01 ngày 8/2/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các bộ, ngành, địa phương kịp thời công bố lộ trình và triển khai mở cửa lại du lịch.

Cuộc đua vô tiền khoáng hậu

Vào lúc này, Việt Nam đã dỡ bỏ mọi rào cản tần suất bay quốc tế, mở cửa bầu trời trở lại bình thường như trước dịch, sẵn sàng cho sự hồi phục hoàn toàn du lịch và hàng không.

Trên mặt đất, các dự án cao tốc cũng đang vào mùa chạy đua. Kết quả của cuộc đua cao tốc là yếu tố hàng đầu mang lại thành công của cuộc đua giải ngân vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 2 năm 2022 và 2023 nhằm góp phần phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng nền kinh tế.

Ngày 12/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình này, trong đó xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các năm 2022 - 2023 của từng bộ, ngành, địa phương. Thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn.

Đây thực sự là cuộc đua vô tiền khoáng hậu, là thách thức cực kỳ lớn cho Chính phủ bởi giải ngân đầu tư công năm qua là rất chậm, chỉ đạt 84% kế hoạch năm 2021, giảm 8,6% so với năm 2020. Trong khi đó, giải ngân chương trình phục hồi kinh tế sẽ phức tạp hơn do có nhiều hạng mục, nhiều nguồn vốn, nhiều cơ chế điều kiện khác nhau, nhiều chính sách biện pháp khác nhau như tài khóa, tiền tệ kết hợp cho gói trợ cấp lãi suất... Về xây dựng cao tốc thì chỉ trong thời gian chưa đến 5 năm tới, phải hoàn thành gần 1.000 km cao tốc, con số bằng cả quãng thời gian 17 năm từ 2004 (là thời điểm khởi động xây dựng cao tốc) đến 2021.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tat-bat-mo-cua-tren-troi-duoi-dat-100410.html