Tất cả các điểm bán hàng Việt Nam đều đã tăng doanh thu 10-15%

Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tất cả các điểm bán hàng Việt Nam đều đã tăng doanh thu lên 10-15% sau khi được hỗ trợ.

Hiệu quả của các điểm bán hàng Việt Nam

Với 100 triệu dân, thị trường tiêu dùng Việt Nam rất tiềm năng. Tuy nhiên, có một thực tế, người dân tại các đô thị lớn dễ dàng mua sắm, tiếp cận với hàng hóa Việt Nam, thông qua chuỗi các hệ thống siêu thị, bán lẻ hiện đại.

Trong khi đó, 65% dân số sống ở khu vực nông thôn, miền núi sẽ có ít lựa chọn hàng hóa hơn. Trước thực tế này, Bộ Công Thương đã có Quyết định 1507, trong đó hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam.

 Điểm bán hàng Việt Nam tại Tuyên Quang. (Ảnh: Moit)

Điểm bán hàng Việt Nam tại Tuyên Quang. (Ảnh: Moit)

Nhờ đó, nhiều địa phương đã tích cực triển khai các điểm bán hàng Việt Nam, đặc biệt tập trung ở khu vực nông thôn. Đơn cử, tại 2 địa phương Lạng Sơn và Phú Thọ vừa khai trương Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.

Các điểm bán hàng Việt Nam tại hai địa phương có quy mô rộng rãi, văn minh lịch sự, hàng hóa phong phú có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá sản phẩm được niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết.

Còn tại Cà Mau, trong nửa đầu năm 2023, tỉnh đã nhân rộng 105 mô hình “Tự hào dùng hàng Việt” tới các địa phương, giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá tốt.

Cùng với đó, tại rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Tiền Giang, Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Bình, Lai Châu, Long An, Đắk Lắk… đều cập nhật thông tin về các điểm bán hàng Việt Nam mới được khai trương.

Ông Bùi Quang Hòa, Giám đốc Siêu thị Co.opmart cho biết, điểm bán hàng Việt Nam là mô hình dự án nhằm tôn vinh các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có thương hiệu, uy tín và tạo điều kiện cho người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, cũng là nơi để nhà sản xuất trong nước nói chung và Co.op mart nói riêng nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, thông qua đó định hướng sản xuất đối với nhu cầu thị trường và ngày càng đáp ứng nhu cầu của người Việt.

Vì vậy, hệ thống siêu thị đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất trong nước uy tín, hàng hóa chất lượng, nguồn cung cấp ổn định để cung cấp các mặt hàng Việt phục vụ người dân, với tỷ lệ hàng Việt chiếm hơn 90%, Co.opmart luôn được nhắc đến như niềm tự hào của siêu thị Việt trong hoạt động phân phối hàng Việt Nam.

Bên cạnh đẩy mạnh kinh doanh hàng Việt tại siêu thị, hệ thống Co.opmart còn tích cực hưởng ứng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Trung bình mỗi năm Co.opmart đều triển khai các chuyến bán hàng lưu động phục vụ bà con vùng sâu vùng xa với mức giảm giá từ 10 – 50% và nhiều quà tặng kèm theo.

Chương trình bán hàng Việt lưu động đã nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của bà con với doanh số bán hàng tốt, là tín hiệu tốt chứng minh hiệu quả của cuộc vận động đã đi vào cuộc sống hằng ngày của người dân Việt.

Góp phần nâng cao kiến thức tiêu dùng của khu vực nông thôn, miền núi

Cho đến nay, Điểm bán hàng Việt Nam được đánh giá là một điểm phát luồng hàng hóa trong khu vực, điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch. Các điểm này gắn kết một cách phù hợp việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Chương trình bình ổn thị trường, an toàn thực phẩm và các chương trình khác tại địa phương.

 Khai trưởng điểm bán hàng tại Đắk Lắk. (Ảnh: DM)

Khai trưởng điểm bán hàng tại Đắk Lắk. (Ảnh: DM)

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp khi tổ chức, xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam đã ưu tiên bố trí đặt tại vùng sâu, vùng xa hoặc khu công nghiệp; khu vực mà hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu tại chỗ vẫn còn mỏng, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng sản xuất trong nước có chất lượng với giá bán cạnh tranh.

Tiêu chí hàng đầu là hàng hóa được bày bán tại Điểm bán hàng Việt Nam phải đạt 100% là hàng hóa được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm... được thực hiện dưới sự giám sát của Sở Công Thương.

Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tất cả các điểm bán hàng Việt Nam đều đã tăng doanh thu lên 10-15% sau khi được hỗ trợ.

Để tổ chức thành công các Điểm bán hàng Việt Nam, luôn có sự phối hợp chặt chẻ đồng bộ giữa Sở Công Thương, Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, Ủy ban mặt trận tổ quốc huyện, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và đoàn thể xã hội.

Điểm bán hàng đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà sản xuất kinh doanh, các tổ chức kinh tế gặp gỡ, liên kết hợp tác đầu tư, khai thác vùng nguyên liệu, phát triển kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và là tiền đề để các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư dây chuyền máy móc theo công nghệ hiện đại, thiết lập mối kinh doanh, sản xuất tại thị trường miền núi.

Với đồng bào vùng cao, miền núi, các Điểm bán hàng Việt Nam đã phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa tại chỗ cho người dân. Tại đây, người dân tham quan, tiếp cận mua sắm những mặt hàng Việt Nam sản xuất với chất lượng cao, giá cả phù hợp, góp phần bình ổn thị trường nông thôn, miền núi. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với hàng ngoại nhập và đưa ra lựa chọn đúng đắn, phù hợp.

Hàng Việt đến với đồng bào vùng cao, miền núi thông qua các Điểm bán hàng Việt Nam đã góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng nơi đây, từ đó, nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân trên địa bàn về chất lượng hàng hóa, tạo cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sức lan tỏa của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tat-ca-cac-diem-ban-hang-viet-nam-deu-da-tang-doanh-thu-10-15-post273442.html