Tất cả đơn vị cấp huyện và xã của Khánh Hòa đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2
Toàn tỉnh Khánh Hòa có 9/9 đơn vị cấp huyện và 139/139 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ người dân từ 15-60 tuổi biết chữ mức độ 1 chiếm 99,49%, mức độ 2 chiếm 97,75%.
Chiều ngày 2/8, đoàn kiểm tra của Vụ Giáo dục và Thường xuyên, Bộ GD-ĐT làm việc với Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập tỉnh Khánh Hòa.
Sau khi kiểm tra thực tế tại 8 đơn vị cấp huyện, 16 đơn vị cấp xã và 33 hộ gia đình, đoàn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập tỉnh trong việc triển khai có hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Sở GD-ĐT Khánh Hòa - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo - đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục; bố trí kinh phí cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Kết quả, toàn tỉnh đã có 9/9 đơn vị cấp huyện và 139/139 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ người dân từ 15-60 tuổi biết chữ mức độ 1 chiếm 99,49%, mức độ 2 chiếm 97,75%.
Đoàn kiểm tra cho biết sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét và ban hành quyết định công nhận tỉnh Khánh Hòa đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 tại thời điểm tháng 12/2022.
Đồng thời, đoàn công tác khuyến nghị Sở GD-ĐT Khánh Hòa tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và toàn thể xã hội về ý nghĩa và vai trò của công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Tiếp tục tăng cường giải pháp để duy trì vững chắc hơn kết quả xóa mù chữ đã đạt được.
Địa phương cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá thường xuyên công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chú trọng việc hoàn thiện các hồ sơ từ cấp xã đến cấp tỉnh, bảo quản lưu giữ, cập nhật hồ sơ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ một cách khoa học... Nâng cao vai trò, trách nhiệm của trung tâm học tập cộng đồng trong công tác xóa mù chữ.
Sở GD-ĐT cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên trong và ngoài ngành giáo dục tham gia dạy xóa mù chữ để thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả Chương trình xóa mù chữ; Chú trọng bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên làm công tác xóa mù chữ.