Tất cả vì nghệ thuật dân tộc
Các tài liệu lưu trữ, trong đó có những trang bản thảo kịch bản, kịch bản phân vai... cho thấy quá trình lao động sáng tạo và cống hiến của các nhà viết kịch cho nền văn học, nghệ thuật đất nước.
Những chứng nhân lịch sử
Xem khối tài liệu trong triển lãm "Tài liệu lưu trữ cá nhân" tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hà Nội, trong đó có các nội dung liên quan đến sáng tác thơ, truyện ngắn, truyện vừa, kịch nói, kịch hát, chèo, các bài viết đăng báo, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thực sự xúc động; bà cho rằng, thật trân quý khi thấy lại các bản thảo được thực hiện trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh, trải qua thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, thiếu thốn, đến khi đổi mới và hội nhập, từ 1973 - 2021.
“Đặc biệt là các bản thảo viết tay thời chưa có máy tính, thậm chí khi ấy giấy, bút còn đắt đỏ và khan hiếm. Tôi cũng gặp lại một kỷ niệm khá sâu sắc trong cuộc đời học tập và sáng tác của mình; đó là bản thảo bộ phim về nước Nga Trăng trên đất khách, gói trọn kỷ niệm 6 năm học tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên bang Nga những năm 1980”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ.

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát xem lại những tài liệu lưu trữ của mình tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Ảnh: Hương Sen
Trăng trên đất khách, nhà biên kịch Hồng Ngát cho biết, bộ phim khắc họa thân phận của những người Việt Nam học tập và lao động tại nước ngoài nói chung và nước Nga nói riêng, cũng là một trào lưu của giai đoạn này. Bối cảnh chính của phim là nước Nga và bi kịch cuộc sống khắc nghiệt của người Việt xa xứ; sâu xa hơn, nơi tuyết lạnh ấy luôn đầy ắp tình người...
Theo nhà biên kịch Hồng Ngát, “mỗi kịch bản điện ảnh, sân khấu đều là máu thịt của tác giả, gắn với những vùng đất, con người, kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời họ. Với tôi cũng vậy, mọi thứ theo thời gian đều thay đổi, phân tán, thất lạc, biến mất. Do đó, các tác phẩm giống như chứng nhân lịch sử để thế hệ con cháu nhìn vào đó hiểu hơn quá trình cống hiến của thế hệ chúng tôi”.
Bà Nguyễn Lan Anh, người nhiều năm liền đánh máy bản thảo cho bố mình - nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Tất Đạt, cũng cảm nhận được dấu ấn lịch sử trong khối tài liệu bản thảo lưu trữ đó. “Bố tôi không biết sử dụng máy tính. Trong quá trình sáng tác, nghiên cứu nhiều năm của ông, tôi thường là người đánh máy, dàn trang sách để ông gửi đến các nhà xuất bản". Các bản đánh máy có bút tích sửa chữa của ông phản ánh quá trình ra đời tác phẩm.
Nhắc lại tác phẩm Bài ca Điện Biên, bà Nguyễn Lan Anh nhớ lại, những năm đất nước chuẩn bị bước vào thời kỳ Đổi mới, mặc dù làm việc trong điều kiện còn khó khăn, song nhà viết kịch Nguyễn Tất Đạt vẫn luôn đề cao sự nghiêm cẩn, kỹ lưỡng. Tác phẩm được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng nhân kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1984), nghệ sĩ Doãn Hoàng Giang làm tổng đạo diễn, với sự tham gia của gần 270 diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam và các đoàn văn hóa nghệ thuật của quân đội, công an, sinh viên trường sân khấu…
“Vở diễn khi ấy rất hoành tráng, tái hiện cuộc chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng của quân dân ta. Tuy mới 7 tuổi nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng, ấn tượng trong cách bố mình làm việc với đạo diễn nhằm mang đến cho người xem nét chân thực nhất về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954”, bà Nguyễn Lan Anh nhớ lại.
Tái hiện lịch sử hoạt hình Việt Nam
Là người thực hiện nhiều loại hình nghệ thuật như ký họa, tranh sơn dầu, hoạt hình, tranh cổ động, bìa tem, bìa sách và truyện tranh, NSND Ngô Mạnh Lân cũng gửi gắm khối tài liệu đáng kể tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III; đáng chú ý là kịch bản phân cảnh hình ảnh các nhân vật hoạt hình (vẽ tay) như tái hiện sự phát triển ngành điện ảnh hoạt hình Việt Nam từ những ngày đầu.
Trong số 17 phim hoạt hình mà NSND Ngô Mạnh Lân làm đạo diễn, bộ phim Những chiếc áo ấm sản xuất năm 1968 (giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I năm 1970) được Ban Giám khảo Liên hoan phim quốc tế Moscow tuyên dương là bộ phim mang tính chất nhân đạo và giáo dục thiếu niên.

Giới thiệu sự nghiệp sáng tác của NSND Ngô Mạnh Lân tại triển lãm “Tài liệu lưu trữ cá nhân”. Ảnh: Hương Sen
Trước đó, thời điểm không quân Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc, năm 1965, bộ phim hoạt hình đen trắng Mèo con của NSND Ngô Mạnh Lân từng giành giải Bồ nông Bạc và Bằng khen tại Liên hoan phim hoạt hình Quốc tế Mamaia, Romania. Đây là giải thưởng quốc tế đầu tiên của ngành hoạt hình Việt Nam...
Trong quá trình sáng tác của mình, NSND Ngô Mạnh Lân từng được họa sĩ Trần Văn Cẩn nhìn nhận là người có "cái nhìn lạc quan, dí dỏm, thoáng trào lộng nhưng không lộ liễu với một bảng màu phong phú và giàu sắc nhị cùng với tạo hình một cách thông tuệ, vững vàng". Điều này được minh chứng khi ông đạo diễn phim hoạt họa Con sáo biết nói (1967) với phong cách vui, châm biếm.
Đặc biệt, về bộ phim cắt giấy Trê cóc sáng tác năm 1992, NSND Ngô Mạnh Lân đã có nhiều thành công trong việc tìm tòi phát triển âm hưởng dân gian. Cách dàn dựng, nhịp điệu phim, cách tạo hình mới lạ, ấn tượng, không lặp lại những thủ pháp đã quen tay… "Đó là thái độ làm việc hết mình, không nề hà khó khăn, vượt lên để bảo đảm chất lượng bộ phim hoàn hảo. Đây có lẽ cũng bí quyết thành công của một tài năng như đạo diễn, họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân", NSND Nguyễn Hà Bắc nhận xét.
Có thể thấy, tài liệu lưu trữ không chỉ thể hiện quá trình lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ của các nhà viết kịch, mà qua đó, còn phản ánh lịch sử, chính trị, xã hội, chứa đựng những giá trị nhân văn cao đẹp, được hun đúc cùng bề dày lịch sử, văn hóa của người Việt Nam trên nhiều khía cạnh; phát huy giá trị khối tài liệu này sẽ góp phần quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tat-ca-vi-nghe-thuat-dan-toc-10373604.html