Tật nói lắp và cách hạn chế

Nói lắp là một tật do rối loạn ngôn ngữ. Tuy không phải là bệnh, nhưng nói lắp thường đưa lại nhiều phiền phức và khó khăn cho người mắc.

Khi chúng ta nói, có những kích thích tác động vào các bộ phận cảm thụ của lưỡi, môi, má và thanh quản. Các kích thích đó theo cơ quan phân tích lời nói đến vùng phân tích vận động của lời nói. Khi các bộ phận này không phối hợp được thật tốt với nhau thì lời nói phát ra sẽ khó khăn và sinh ra tật nói lắp.

Nói lắp là một tật do rối loạn ngôn ngữ. Ảnh minh họa

Nói lắp là một tật do rối loạn ngôn ngữ. Ảnh minh họa

Thế nào là nói lắp?

Nói lắp hay cà lăm là một chứng tật về khả năng nói khá phổ thông. Hiện tượng nói lắp thường hay ở những người nói nhanh hay bị vấp và có thể sửa được khi còn nhỏ.

Đây là một tật do rối loạn ngôn ngữ, trong đó có sự ấp úng khi nói khiến các từ phát ra chậm, kéo dài hoặc các từ được lặp đi, lặp lại. Nói lắp thường gặp ở các bạn nam nhiều hơn các bạn nữ, ở người thuận tay trái nhiều hơn người thuận tay phải. Ngoài việc khó thốt ra lời khi căng thẳng, phải gắng sức để nói khi căng thẳng, bối rối, lo lắng… khi nói, những người nói lắp có tinh thần gấp gáp, có khi lắc đầu, hoa chân, múa tay, trừng mắt, méo miệng, môi run, nói một câu phải tốn rất nhiều sức.

Vì nói năng khó khăn nên người mắc tật nói lắp thường e ngại và càng lắp hơn khi đến chỗ đông người. Đặc biệt, khi bị người khác cười đùa, họ càng tỏ ra căng thẳng, nói không ra lời.

Nói lắp có nhiều dạng - có thể xảy ra cùng lúc trong một câu: Ngập ngừng im lặng hồi lâu trước khi bắt đầu câu nói; Câu nói bị đứt quãng nhiều lần; Lặp lại một chữ nhiều; Kéo dài một âm lâu như để chờ chuẩn bị âm kế tiếp.

Nguyên nhân gây nói lắp

Người bị nói lắp, họ luôn biết rõ mình muốn nói điều gì, nhưng lại không thể truyền đạt một cách trôi chảy khi nói. Đây là tình trạng gián đoạn không chủ ý trong tính lưu loát lời nói bình thường. Nguyên nhân gây nên nói lắp là:

Di truyền trong gia đình.
Bẩm sinh do hệ thần kinh thực vật dễ bị kích thích.
Do từ nhỏ bị nói lắp nhưng không được uốn nắn, chỉnh sửa lâu dần thành thói quen.
Mặc cảm tâm lý.
Những người bị di chứng ở vùng ngôn ngữ khi mắc bệnh ở não bộ hoặc màng não như viêm não, viêm màng não …
Mắc bệnh lý của cơ quan phát âm: nghe kém, cử động miệng khó, dị tật của cơ quan phát âm...
Bắt chước người khác nói lắp, hoặc thường tiếp xúc với những người nói lắp nên tiếp thu phải những ám thị không tốt, kết quả tự mình dần dần cũng biến thành nói lắp.
Tinh thần bị tổn thương, hay bị quát nạt, o ép mà gây nên nói lắp.

Tăng cường rèn luyện kỹ năng nói, kiên nhẫn làm thường xuyên, lâu dài có thể khắc phục tật nói lắp. Ảnh minh họa

Tăng cường rèn luyện kỹ năng nói, kiên nhẫn làm thường xuyên, lâu dài có thể khắc phục tật nói lắp. Ảnh minh họa

Cách khắc phục tật nói lắp

Nói lắp không phải là chứng bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng của con người nhưng nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như khả năng giao tiếp của người bệnh. Để hạn chế tật nói lắp bạn cần:

Xóa bỏ trở ngại về tâm lý hãy xem đó là một tật bình thường, bình tĩnh uốn nắn.
Tốc độ nói phải chậm, bình tâm, hòa nhã, tự nhiên, dịu dàng.
Người nói lắp nên tập đọc to mỗi ngày một lần. có thể đọc truyện, ngâm thơ, biểu diễn văn nghệ trước đám đông…
Mạnh dạn thể hiện mình, thường xuyên nói chuyện ở chỗ đông người để cho sự căng thẳng tâm lý giảm đi.
Tập nói trước gương đều đặn, kiên trì hàng ngày.
Tăng cường rèn luyện kỹ năng nói, kiên nhẫn làm thường xuyên, lâu dài. Mỗi ngày dành từ 50 đến 60 phút để tập đọc và tập nói. Ngoài ra nên rèn luyện thể thao, tập thở để có hơi thở đều đặn, khỏe thì khi phát âm sẽ lưu loát, trôi chảy hơn.

Bs. Nguyễn Thanh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tat-noi-lap-va-cach-han-che-169221022171604162.htm