Tất tần tật về dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và liệu cha mẹ có thể ngăn ngừa dị ứng thực phẩm khi bắt đầu cho con ăn dặm hay không.

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Nguyên nhân dị ứng thực phẩm
Các loại dị ứng thực phẩm phổ biến nhất
Dấu hiệu bị dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Cách để chẩn đoán dị ứng thực phẩm
Mẹ có thể ngăn ngừa dị ứng thực phẩm khi mang thai hoặc cho con bú?
Chiến lược để bắt đầu cho trẻ ăn dặm

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, ước tính có tới 8% trẻ em ở Mỹ từng bị dị ứng thực phẩm, tương đương một trên 13 trẻ. Đối với những trẻ này, ăn một số loại thực phẩm sẽ kích hoạt phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch, gây ra các triệu chứng như ngứa, chàm đến khó thở và sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng.

 Trẻ nhỏ có thể dị ứng với nhiều loại thực phẩm (Ảnh: Pinterest)

Trẻ nhỏ có thể dị ứng với nhiều loại thực phẩm (Ảnh: Pinterest)

Vậy dấu hiệu dị ứng thức ăn là gì? Cha mẹ có thể ngăn chúng phát triển từ đầu không? Tại đây, các chuyên gia chia sẻ tất cả những gì cha mẹ cần biết về dị dứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ.

Nguyên nhân dị ứng thực phẩm

Tại sao một số trẻ bị dị ứng thực phẩm và những trẻ khác thì không vẫn đang là câu hỏi các bác sĩ không thể lý giải. Tuy nhiên, Giáo sư, bác sĩ Amal H. Assa'ad - Giám đốc Phòng khám Dị ứng thực phẩm của Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati cho biết, bệnh chàm là dấu hiệu ban đầu của một người bị dị ứng.

Theo nghiên cứu của bác sĩ Hugh Sampson, Giám đốc Viện Dị ứng thực phẩm Jaffe tại Bệnh viện Mount Sinai, thành phố New York, có tới 40% trẻ sơ sinh bị chàm từ trung bình đến nặng cũng bị dị ứng thực phẩm. Nếu trong gia có tiền sử về bệnh chàm, hen suyễn và dị ứng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

"Gen dễ dị ứng có thể di truyền", Giáo sư Assad cho hay. Một số trẻ chỉ đơn giản là thừa hưởng nhiều gen dị ứng hơn.

Cũng lưu ý rằng, dị ứng thực phẩm khác với không dung nạp thực phẩm, mặc dù chúng có thể có các triệu chứng tương tự. Đó là bởi vì không dung nạp thực phẩm không ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

Phó Giáo sư Nhi khoa Ruchi Gupta, Đại học Northwestern University Feinberg School of Medicine ở Chicago, cho biết: “Những người không dung nạp thực phẩm không thể tiêu hóa một số loại thực phẩm vì cơ thể họ thiếu loại enzyme cụ thể cần thiết để phân hủy thức ăn đó”.

Ví dụ, nếu bạn không dung nạp đường sữa, bạn đang thiếu enzyme lactase, enzyme này sẽ phân hủy đường sữa, một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa khác. Không dung nạp thực phẩm có thể gây ra sự khó chịu, nhưng chúng không đe dọa đến tính mạng như dị ứng thực phẩm.

Các loại dị ứng thực phẩm phổ biến nhất

Bác sĩ Scott H. Sicherer, Viện Dị ứng thực phẩm Jaffe tại trường Y khoa Mount Sinai, thành phố New York lưu ý, trẻ sơ sinh thường không ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, nên dị ứng với sữa bò là dạng phổ biến nhất.

Có tới 7% trẻ sơ sinh gặp khó khăn trong việc tiêu hóa sữa. Nhiều bậc cha mẹ nhầm lẫn điều này với chứng không dung nạp đường sữa, không có khả năng tiêu hóa đường sữa protein sữa phổ biến ở trẻ lớn hơn và người lớn. Nhưng tình trạng này rất hiếm ở trẻ sơ sinh; đôi khi nó xuất hiện tạm thời sau khi bị nhiễm virus dạ dày nhưng nhanh chóng khỏi.

Trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi hoặc trẻ nhỏ có thể dị ứng với nhiều loại thực phẩm. Dưới đây là 9 thủ phạm phổ biến:

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), 9 loại thực phẩm này chiếm hơn 90% các trường hợp dị ứng thực phẩm ở Mỹ.

- Sữa bò.

- Trứng

- Cá.

- Đậu phộng.

- Vừng.

- Động vật có vỏ giáp xác.

- Đậu nành.

- Hạt.

- Lúa mì.

9 loại thực phẩm trong danh sách này phải tuân theo các yêu cầu pháp lý của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Các nhà sản xuất phải dán nhãn chính xác các chất gây dị ứng này trên sản phẩm và các cơ sở thực phẩm phải thực hiện các bước để tránh lây nhiễm chéo.

Trong một số trường hợp, trẻ em cũng có thể gặp phải hội chứng dị ứng miệng (OAS), trong đó cơ thể nhầm lẫn các protein có trong phấn hoa nhất định với protein trong thực phẩm.

Theo Viện hàn lâm Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAAI), hệ thống miễn dịch tin rằng, các protein có liên quan chặt chẽ với nhau nên nó gây ra các triệu chứng dị ứng ở những người tiếp xúc với chúng. Điều này được gọi là phản ứng chéo. Chẳng hạn, nếu bạn bị dị ứng với cỏ phấn hương, bạn cũng có thể phản ứng với chuối hoặc dưa, những loại có protein tương tự.

Dấu hiệu bị dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Khi dị ứng thực phẩm, hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với một loại thực phẩm vô hại như thể nó là mối đe dọa và tạo ra histamine và kháng thể để chống lại nó. Theo bác sĩ nhi khoa Gwenn Schurgin O’Keeffe, điều đó có nghĩa là hệ thống tiêu hóa không thể xử lý thực phẩm một cách nhẹ nhàng.

Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng vài giây đến vài giờ sau khi ăn, chạm và/hoặc hít phải thực phẩm gây dị ứng. Các dấu hiệu dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể bao gồm:

Ngứa ran trong miệng.
Sưng lưỡi, cổ họng, môi, mặt hoặc các bộ phận cơ thể khác.
Khó thở.
Phát ban.
Da đỏ, ngứa.
Sự tắc nghẽn.
Thở khò khè.
Nôn mửa.
Chuột rút bụng.
Bệnh tiêu chảy.
Chóng mặt hoặc lâng lâng.
Có máu đỏ trong tã (Đây có thể là dấu hiệu của viêm đại tràng dị ứng, một loại dị ứng sữa gây kích ứng ruột kết).
Sốc phản vệ.

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất, là phản ứng tạo ra một dạng sốc có khả năng gây tử vong. Tiến sĩ O'Keeffe cảnh báo: "Nếu con bạn khó thở, sưng lưỡi, đỏ bừng và thở khò khè, đừng lái xe đến bệnh viện mà hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức".

AAAAI cho biết, các dấu hiệu khác của sốc phản vệ bao gồm tức cổ họng, tức ngực và "ngứa ran ở bàn tay, bàn chân, môi hoặc da đầu".

Mỗi lần tiếp xúc với chất kích hoạt có thể làm tăng tính nghiêm trọng của phản ứng. Có trường hợp con bạn mới 2 tháng tuổi chưa từng nếm thử bơ đậu phộng nhưng vẫn bị dị ứng.

Bác sĩ Dan Atkins, một chuyên gia dị ứng trẻ em tại Bệnh viện Trẻ em Denver giải thích, nếu bạn ăn một chiếc bánh mì kết hợp đậu phộng vào bữa trưa, bé có thể tiếp xúc với chất này thông qua sữa mẹ hoặc da của bạn.

Khi hệ thống miễn dịch hoàn thiện, hầu hết trẻ em sẽ hết dị ứng với trứng và sữa khi các con vào tiểu học. Dị ứng thực phẩm có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi, thậm chí sau khi đã ăn một loại thực phẩm trong nhiều năm, nhưng dị ứng với đậu phộng và các loại cá khác nhau thường đe dọa đến tính mạng nhất, thường biểu hiện sớm và kéo dài suốt đời.

Cách để chẩn đoán dị ứng thực phẩm

Tiến sĩ Sicherer đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác minh đáng tin cậy trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào về chế độ ăn uống. Giới hạn chế độ ăn uống của trẻ em mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa có nguy cơ gây ra những hậu quả tiềm ẩn.

"Nguy hiểm lớn nhất là cha mẹ giới hạn phạm vi lựa chọn thực phẩm của con", Tiến sĩ Frank Greer, Giáo sư danh dự của Khoa Nhi tại Đại học Y khoa và Y tế công cộng Wisconsin nói.

Nếu con bạn có vấn đề về dạ dày hoặc quấy khóc sau bữa ăn, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa và đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Đôi khi vấn đề không liên quan đến dị ứng thực phẩm.

“Tôi xem xét nhiều vấn đề”, bác sĩ O'Keeffe nói. Ví dụ: "Khi trẻ sơ sinh không uống được sữa công thức, việc pha trộn bột (không đạt được sự cân bằng hợp lý giữa nước và bột) là nguyên nhân phổ biến".

Trẻ sơ sinh cũng có thể phản ứng với việc cho ăn quá nhiều hoặc các loại thực phẩm gây đầy hơi trong chế độ ăn của người mẹ cho con bú.

Nếu phụ huynh nghi ngờ dị ứng, bác sĩ nhi khoa có thể yêu cầu họ loại bỏ từng món một khỏi chế độ ăn của con bạn hoặc của chính bạn, nếu bạn đang cho con bú để tìm ra vấn đề. Một số bác sĩ cũng đề nghị thử nghiệm lẩy da, trong đó một chuyên gia dị ứng sẽ chích chất chiết xuất từ thực phẩm-protein vào da của con bạn để xem chất nào gây ra vết sưng đỏ, ngứa.

Nhưng lưu ý rằng xét nghiệm da thường không được tiến hành đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu, gửi đến phòng thí nghiệm y tế, để xác định dị ứng thực phẩm.

Nếu con được chẩn đoán bị dị ứng, cha mẹ sẽ phải tránh xa các loại thực phẩm gây dị ứng cho con. Nếu liên quan đến sữa, các bác sĩ thường sẽ cho trẻ bú sữa công thức dùng loại sữa công thức ít gây dị ứng.

Tiến sĩ Sampson nói: "Chỉ cần nhớ rằng, mặc dù dị ứng thực phẩm có thể gây khó chịu và thậm chí đáng sợ, nhưng chứng bệnh này không hẳn tồn tại mãi mãi". Ví dụ, AAP cho biết, 80-90% trường hợp “dị ứng trứng, sữa, lúa mì và đậu nành” không còn tồn tại khi trẻ 5 tuổi.

Mẹ có thể ngăn ngừa dị ứng thực phẩm khi mang thai hoặc cho con bú?

Trước đây, quan điểm thông thường cho rằng, việc tránh các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao khi mang thai và cho con bú cũng như không cho trẻ ăn trong những năm đầu đời có thể làm giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm. Nhưng bằng chứng gần đây đã đảo ngược lời khuyên đó. Bây giờ có vẻ như không có lý do gì để nói “không” với thực phẩm gây dị ứng.

Nếu đang mang thai, mẹ có thể ăn những thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao trừ khi mẹ bị dị ứng với chúng. Không có bằng chứng nào cho thấy việc tránh xa chúng sẽ làm giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ sơ sinh.

Trên thực tế, việc loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn uống của bạn có thể gây hại nhiều hơn là có lợi, vì hầu hết các loại thực phẩm gây dị ứng đều cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cho bạn và em bé. Ví dụ, axit béo omega-3 trong cá và động vật có vỏ thúc đẩy sự phát triển não bộ của thai nhi và folate trong đậu phộng giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh, chẳng hạn như tật nứt đốt sống.

Hơn nữa, tránh các thực phẩm gây dị ứng trong khi cho con bú không được chứng minh là mang lại bất kỳ lợi ích nào cho em bé. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng, chính việc cho con bú có thể giúp ngăn ngừa dị ứng thực phẩm.

Tiến sĩ Greer nhấn mạnh: "Bú mẹ hoàn toàn, không dùng sữa công thức trong 4 tháng đầu hoặc lâu hơn là điều tốt nhất". Nếu em bé bú sữa mẹ phản ứng với thứ gì đó mà mẹ ăn, hãy tránh nó.

Chiến lược để bắt đầu cho trẻ ăn dặm

Cha mẹ cần theo dõi các triệu chứng khi cho con ăn dặm (Ảnh: Pinterest).

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, cha mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn các loại thực phẩm gây dị ứng khi bé được 4 đến 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải theo dõi bất kỳ phản ứng dị ứng nào, chẳng hạn như phát ban, ngứa mắt hoặc miệng, nôn mửa, da nhợt nhạt, ngất xỉu, khó thở và sưng mắt, lưỡi hoặc môi.

Thật vậy, Katie Marks-Cogan, đồng sáng lập và Trưởng bộ phận Dị ứng của Ready, Set, Food, cho biết: “Một số nghiên cứu cho thấy rằng, việc tiếp xúc sớm thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao có thể dẫn đến tỷ lệ dị ứng thực phẩm thấp hơn. Ở độ tuổi này, các trẻ nhỏ hình thành hệ thống miễn dịch khỏi dị ứng”.

Theo AAAAI gợi ý, từ 4 đến 6 tháng, tùy thuộc vào mức độ hấp thụ của con bạn, cha mẹ nên cho con làm quen với các loại thức ăn có một thành phần mới dành cho trẻ sơ sinh, cách nhau từ 3 đến 5 ngày, như trái cây, rau, ngũ cốc.

Sau khi trẻ dung nạp thành công một số loại thực phẩm ít gây dị ứng này, cha mẹ có thể dần dần giới thiệu các món có thể gây dị ứng như trứng, sữa, cá và các loại hạt.

Ghi lại mọi thứ bé ăn trong vài tuần cũng như bất kỳ triệu chứng liên quan nào (chàm, quấy khóc, đầy hơi). Liên hệ và báo cáo với bác sĩ nếu nhận thấy một triệu chứng như trên.

Tiến sĩ Greer nhấn mạnh, nếu trẻ sơ sinh được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn, chàm hoặc dị ứng thực phẩm, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ về thời điểm cho trẻ ăn dặm.

Theo Parents

An Nguyễn

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/tat-tan-tat-ve-di-ung-thuc-pham-o-tre-so-sinh-va-tre-nho-d2054.html