Tàu đánh bắt hải sản trên biển với thiết bị giám sát hành trình
Sóc Trăng là tỉnh ven biển nên có đến hàng trăm tàu đánh bắt hải sản. Theo quy định, các tàu có chiều dài 15m trở lên khi đánh bắt hải sản trên biển phải gắn thiết bị giám sát hành trình, vừa giúp ngành chuyên môn kiểm soát vị trí tàu cá, vừa để chủ tàu ghi nhật ký quá trình khai thác hải sản, nhằm xác nhận và truy xuất nguồn gốc hải sản khi xuất khẩu, góp phần gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.
Tỉnh Sóc Trăng có tổng số 1.000 tàu đánh bắt hải sản trên biển, với tổng công suất 203.512 CV, trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng ngoài khơi theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản là 339 tàu, công suất 177.081 CV. Số lượng tàu khai thác hải sản vùng ngoài khơi lớn đã đem về nguồn hải sản dồi dào cho tỉnh, đáp ứng thị trường thực phẩm trong và ngoài tỉnh, kể cả làm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến phục vụ thị trường xuất khẩu, góp phần tăng trưởng GDP cho tỉnh và đảm bảo đời sống cho ngư dân.
Để nghề khai thác biển của ngư dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bền vững, đặc biệt là góp phần cho công tác tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, trong các năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai các công văn, chỉ thị, kế hoạch… của Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; đồng thời, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã triển khai các kế hoạch về hành động ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, cùng với đó là triển khai lắp đặt 100% thiết bị giám sát hành trình trên tàu đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân, có chiều dài từ 15m trở lên theo quy định.
Tham gia nghề đi biển đánh bắt hải sản hơn 20 năm, ông Huỳnh Văn Mạnh, ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết: "Tôi có 1 tàu đánh bắt hải sản trên biển, tàu có chiều dài 18m và theo quy định thì tàu đã được gắn thiết bị giám sát hành trình hơn 3 năm qua. Tôi nhận thấy, việc lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu cá của ngư dân đi đánh bắt ở vùng biển ngoài khơi, giúp ngành chuyên môn theo dõi được quá trình đánh bắt hải sản của ngư dân thuận lợi và cũng minh chứng cho ngư dân Sóc Trăng là trong nhiều năm qua luôn tuân thủ đúng các quy định khi khai thác hải sản trên biển. Do đó, khi ngành chuyên môn phổ biến việc tàu đánh bắt hải sản 15m trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình, tôi thực hiện ngay nhằm tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước về hoạt động khai thác hải sản trên biển".
“Tôi có 2 chiếc tàu làm dịch vụ hậu cần trên biển, trong đó 1 tàu có trọng tải 100 tấn, 1 tàu trọng tải 60 tấn chuyên chở nhiều chuyến hàng từ bến Cảng Trần Đề ra ngoài Côn Đảo cho các tàu đánh bắt cá. Mặc dù là tàu vận chuyển nhưng các tàu của tôi đều gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định và trước khi xuất cảng đều trình các hồ sơ thủ tục liên quan, đặc biệt là thiết bị giám sát hành trình phải đang hoạt động và có kết nối liên tục mới được cấp giấy xuất bến. Theo tôi thấy, hầu hết ngư dân có tàu đánh bắt hải sản xa bờ đều tuân thủ việc gắn thiết bị giám sát hành trình trên tàu. Các chủ tàu mong muốn là thiết bị giám sát hành trình hoạt động thật tốt để truyền tín hiệu đến ngành chuyên môn trong những ngày tàu đánh bắt hải sản lênh đênh trên biển, để chứng tỏ là ngư dân Sóc Trăng luôn chấp hành nghiêm việc đánh bắt hải sản đúng luật định" - ông Trần Huy Hoàng, ấp Cảng, thị trấn Trần Đề thông tin.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng Lư Tấn Hòa thông tin, theo điểm đ khoản 2 Điều 50 Luật Thủy sản năm 2017 quy định tổ chức, cá nhân khai thác hải sản bằng tàu có chiều dài từ 15m trở lên được cấp phép khai thác hải sản phải có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá theo quy định. Thông qua Luật Thủy sản quy định, Sóc Trăng có 100% tàu cá với chiều dài 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, quy định về thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá là phải được kết nối đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát lắp đặt tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá Trung ương và các tỉnh, thành phố ven biển; tự động truyền qua hệ thống thông tin vệ tinh tối đa 12 vị trí/ngày với tần suất 2 giờ/lần các thông tin vị trí tàu, thời gian, đối với thiết bị lắp đặt trên tàu cá có chiều dài 24m trở lên và tự động truyền bằng một trong các phương thức qua hệ thống thông tin vệ tinh, hệ thống thông tin di động GSM, hệ thống thông tin mặt đất sử dụng các băng tần MF, HF, VHF tối thiểu 8 vị trí/ngày với tần suất 3 giờ/lần các thông tin vị trí tàu, thời gian đối với thiết bị lắp đặt trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m; sai số tọa độ vị trí tàu cá nhận từ hệ thống định vị toàn cầu GPS hiển thị thiết bị giám sát hành trình tàu cá không quá 500m, độ tin cậy 99%; mỗi thiết bị phải có mã nhận dạng độc lập; phải đảm bảo hoạt động bình thường trong môi trường hoạt động trên biển theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam.
Ngoài việc quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá thì căn cứ theo Điều 35 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đối với hành vi vi phạm không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, chủ tàu cá sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị và phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với các hành vi như: không trang bị thiết bị thông tin liên lạc theo quy định; không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, trừ trường hợp bất khả kháng; không báo cáo hoặc báo cáo không đúng về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho cơ quan quản lý để kiểm tra theo quy định; không thực hiện kẹp chì theo quy định; không bảo mật dữ liệu giám sát…
Để nghề khai thác hải sản trên biển phát triển bền vững và nhất là “chung tay” cùng các cấp, các ngành tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, các chủ tàu cá khai thác hải sản vùng biển ngoài khơi của tỉnh Sóc Trăng cần thường xuyên theo dõi thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, khi thiết bị mất kết nối phải báo ngay cơ quan chức năng hỗ trợ; đồng thời, các chủ tàu cá cần chủ động cung cấp thông tin đến đơn vị chuyên môn khi tàu ngưng hoạt động, nằm bờ, điều chuyển thiết bị và các tàu không còn mang thiết bị.