Tàu hàng 15.000 tấn mắc cạn ở Quảng Ngãi được giải cứu thế nào?

Đơn vị được thuê giải cứu tàu hàng 15.000 tấn mắc cạn ở bờ biển Quảng Ngãi đã huy động cả trăm nhân lực và thiết bị cơ giới, chia làm nhiều mũi thi công đồng loạt để cứu tàu.

Hút hơn 6.000m3 cát, tạo luồng nước dài 300m

Hiện trường công tác cứu nạn vào ngày 9/1 cho thấy, tại đây phía chủ tàu và đơn vị được thuê tham gia cứu hộ đã huy động hàng trăm thiết bị cơ giới và nhân lực để giải cứu con tàu.

Công tác cứu hộ tàu hàng New Energy được gấp rút triển khai với phương án đào hút cát tạo luồng nước sâu 30m, dài 300m nhằm đảm bảo tàu nổi lên để lai dắt đưa ra biển.

Công tác cứu hộ tàu hàng New Energy được gấp rút triển khai với phương án đào hút cát tạo luồng nước sâu 30m, dài 300m nhằm đảm bảo tàu nổi lên để lai dắt đưa ra biển.

Đây là lần thứ ba công tác giải cứu tàu hàng New Energy được thực hiện. Đại diện chủ tàu cho biết, giải pháp lần này được đánh giá có tính khả thi và hi vọng sẽ đưa con tàu rời đi sau hơn hai tháng ở vùng biển Dung Quất.

Tại đây đơn vị cứu nạn bố trí nhiều thiết bị cơ giới chuyên dụng như xe máy đào, máy xúc, nhiều máy bơm hút cát cỡ lớn… hoạt động liên tục ở khu vực xung quanh tàu bị nạn nhằm tạo luồng nước đủ độ sâu để tàu nổi và quay hướng ra biển.

Quan sát cho thấy, sau nhiều giờ đào, xúc cát sát bên thân tàu và máy hút cát cỡ lớn làm việc liên tục, phần thân phía sau tàu hàng dần chìm xuống nước. Những đợt sóng lớn liên tục dội vào khiến công tác đào, hút cát gặp nhiều khó khăn.

Một kỹ sư tham gia công tác chỉ đạo cứu hộ cho biết, do thời tiết bất lợi nên công tác đào, hút cát tạo luồng nước để cứu tàu khá vất vả. Cát được hút lên bờ thì bên dưới sóng xô vào kéo cát phủ lấp trở lại.

Được biết, phương án giải cứu tàu hàng New Energy mắc cạn được Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và các cơ quan liên quan thống nhất dựa trên cơ sở khảo sát, thăm dò của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ hàng hải Biển Vàng. Theo đó, sẽ tiến hành hút cát, đào rãnh tạo độ rộng và độ sâu đủ lớn để lai dắt tàu ra biển trở lại.

Máy đào, máy bơm hút cát loại lớn được huy động đến hiện trường để thực hiện công tác cứu hộ.

Máy đào, máy bơm hút cát loại lớn được huy động đến hiện trường để thực hiện công tác cứu hộ.

Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ hàng hải Biển Vàng Lê Văn Toàn cho biết, qua tính toán đơn vị dự kiến hút lượng cát rất lớn lên đến khoảng 6.000m3, thậm chí là nhiều hơn để mở luồng nước rộng 30m, dài 300m và đủ độ sâu theo giãn nước của tàu để tàu có thể nổi lên.

Cứu hộ thành công còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết

Để đảm bảo công tác cứu hộ tàu hàng New Energy diễn ra thuận lợi như kế hoạch và phương án được phê duyệt, các công nhân, kỹ sư căng mắt tính toán con nước, sóng gió và theo dõi độ sâu của luồng nước đang được đào để có giải pháp hiệu quả.

Một kỹ sư cho biết, do tàu hàng quá lớn và phần thân tàu phía sau bị sóng đánh tấp vào bờ khá xa nên nằm gần như trọn trên gò cát. Trong khi đó, nhiều thiết bị được điều động đến hiện trường để tham gia công tác cứu hộ không thể hoạt động được do thời tiết tại khu vực biển Dung Quất có sóng khá lớn. Nhiều thiết bị phải di chuyển đến các vị trí khác nhau neo đậu để "né" sóng, khi thời tiết thuận lợi sẽ tiếp tục công việc.

Vùng biển Quảng Ngãi đang có đợt triều cường nên công tác cứu hộ ít nhiều gặp khó khăn.

Vùng biển Quảng Ngãi đang có đợt triều cường nên công tác cứu hộ ít nhiều gặp khó khăn.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ hàng hải Biển Vàng Lê Văn Toàn, nhanh nhất sau khoảng bốn ngày sẽ hoàn thành việc đào hút cát tạo luồng nước. Khi các phần việc trên hoàn thành, phương án cứu tàu tiếp theo sẽ được thực hiện.

Khi thân tàu nổi lên mặt nước, các tàu lai dắt cũng đã sẵn sàng trực chiến làm nhiệm vụ lai dắt kết hợp tời cáp công suất lớn kéo tàu hàng ra khỏi vùng bị mắc cạn. Sau đó, lai dắt về vị trí do Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi chỉ định. Tuy vây, đó là dự kiến theo phương án thời tiết thuận lợi, còn nếu biển nổi sóng lớn thì thời gian cứu hộ sợ sẽ kéo dài thêm nhiều ngày nữa.

Được biết, chi phí giải cứu tàu hàng mắc cạn tiêu tốn khoảng 10 tỷ đồng, đó là chưa tính đến việc sửa chữa để tàu hoạt động bình thường trở lại.

Liên quan đến khoảng 27 tấn dầu F0 trên tàu và nguy cơ cao xảy ra sự cố tràn dầu, lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam đã có nhiều chỉ đạo cũng như theo dõi sát sao diễn biến cứu hộ để có giải pháp nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi Lê Văn Lương cho biết, mối lo lớn nhất trong cuộc giải cứu là trên tàu New Energy có khoảng 27 tấn dầu F0. Do đó, phía Cảng vụ đã yêu cầu chủ tàu và đơn vị cứu hộ cần có phương án cho việc này.

Tàu lai dắt được phía đơn vị cứu hộ chuẩn bị sẵn sàng để lai dắt hàng hàng New Energy rời vị trí mắc cạn khi phương án đào luồng nước dài 300m hoàn thành.

Tàu lai dắt được phía đơn vị cứu hộ chuẩn bị sẵn sàng để lai dắt hàng hàng New Energy rời vị trí mắc cạn khi phương án đào luồng nước dài 300m hoàn thành.

"Hiện đơn vị cứu hộ đã liên hệ với Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung để cử lực lượng, thiết bị ứng trực 24/24h, sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra", ông Lương cho hay.

Trước đó, ngày 14/11/2023, tàu hàng New Energy, dài 160m, rộng 22m, trọng tải gần 15.000 tấn, thuộc sở hữu của Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin vận chuyển gần 14.000 tấn quặng sắt từ cảng Cửa Lò (Nghệ An) vào cảng Dung Quất.

Sau khi bốc dỡ hàng, thuyền trưởng lái tàu đến neo đậu tại vùng nước cảng biển Dung Quất. Nhưng gặp thời tiết xấu, biển động mạnh, tàu hàng đứt dây neo, trôi tự do rồi dạt vào bờ biển giáp ranh hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và mắc cạn gần hai tháng qua.

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tau-hang-15000-tan-mac-can-o-quang-ngai-duoc-giai-cuu-the-nao-192240109170844382.htm