Các tàu ngầm hạt nhân mới của Nga có vai trò rất quan trọng, chúng đã giúp Moskva thể hiện quyết tâm bảo vệ biên giới thông qua lực lượng hải quân, tờ báo Trung Quốc Sohu đưa ra bình luận như trên.
Điện Kremlin buộc phải phát triển hạm đội theo phương thức tăng tốc, trong đó họ chú trọng vào tàu ngầm, bởi vì các mối đe dọa quân sự từ Mỹ và những đồng minh NATO gia tăng với tần suất chóng mặt.
“Hiện nay, tình hình giữa Nga và Ukraine đang căng thẳng, và Mỹ đang đổ thêm dầu vào lửa khi kêu gọi các đồng minh của mình gây sức ép lên Liên bang Nga, cũng như dàn xếp những hành động khiêu khích".
"Không chịu thua kém, Nga đã tăng cường sức mạnh quân sự, mới đây hải quân nước này nhận 2 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sau khi chúng hoàn thành các bài kiểm tra trên biển. Điều này đã trở thành tâm điểm chú ý của phương Tây”, tờ Sohu viết.
Chúng ta đang nói về tàu ngầm hạt nhân đa năng sản xuất loạt đầu tiên của Dự án 885M (Yasen-M) mang tên Novosibirsk và tàu ngầm chiến lược dẫn đầu thuộc Dự án 955A (Borey-A) - chiếc Knyaz Oleg.
Hai tàu ngầm hạt nhân mới đã trở thành một phần của Hạm đội Thái Bình Dương - Hải quân bang Nga. Báo chí lưu ý rằng không lâu trước đó, tàu ngầm Knyaz Oleg đã bắn một tên lửa đạn đạo Bulava từ Biển Trắng.
“Tàu ngầm Knyaz Oleg có thể mang cùng lúc 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava với tầm bay 9,3 nghìn km. Nhờ phương pháp phóng "khô" (khi ống phóng tên lửa của tàu ngầm không chứa đầy nước) mà nó trở nên cực kỳ lợi hại".
"Nhờ phương thức phóng mới, tiếng ồn khi triển khai tên lửa sẽ được tiết giảm đáng kể, giúp cải thiện khả năng ngụy trang cũng như nguy cơ bị sonar của đối phương phát hiện", ấn phẩm Sohu nói.
Tàu ngầm hạt nhân Novosibirsk còn tự hào vì được tích hợp nhiều thiết bị điện tử và âm thanh tiên tiến. Một trong những nhiệm vụ của nó là truy tìm và tiêu diệt tàu ngầm của đối phương.
Sự xuất hiện của những phương tiện tác chiến đáng gờm như vậy trong Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã gây ra sự hoảng sợ thực sự đối với Washington, khi chúng đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của Quân đội Mỹ trong khu vực.
“Sau khi xem tin này, các chuyên gia Mỹ buồn bã thở dài: Sát thủ hạt nhân dưới nước của Nga sẽ gây ra mối đe dọa rất lớn đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, và điều này không thể bỏ qua".
"Hai tàu ngầm hạt nhân thế hệ của Nga sẽ có thể trấn áp hiệu quả sự kiêu ngạo của Mỹ và Nhật Bản, khiến cho những hoạt động hàng hải của hạm đội Nga sẽ càng trở nên táo bạo hơn", tờ báo Trung Quốc dự đoán.
Một lý do khác khiến Washington lo ngại là Nga có kiểu trang bị vũ khí riêng. Thứ nhất, nước này không bắt đầu thay thế các công nghệ quân sự trong nước bằng cách nhập khẩu từ nước ngoài.
Thứ hai, Moskva hoàn toàn thấy rõ rằng chính hạm đội tàu ngầm mang lại cho mình lợi thế chiến lược so với nước Mỹ, vì vậy Điện Kremlin đang tích cực phát triển lĩnh vực này.
“Một tàu ngầm hạt nhân của Nga ẩn mình dưới nước sẽ khiến Mỹ cảm thấy bất lực. Rõ ràng, Nga đã có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực công nghệ hàng hải và không ngừng cải tiến nó. Ngoài hai tàu ngầm hạt nhân mới, nhiều chiếc khác đang được chế tạo".
“Trong tình cảnh Nga thường xuyên bị Mỹ và Nhật Bản khiêu khích trên biển, hai tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới trong biên chế Hạm đội Thái Bình Dương sẽ gây áp lực quân sự nghiêm trọng lên đối phương”, trang Sohu kết luận.
Theo Bạch Dương/ANTĐ