Phóng viên của Naval News hôm 17-4-2021 tới quân cảng Toulon phỏng vấn đại tá Antoine Delaveau, hạm trưởng tàu ngầm tấn công hạt nhân Emeraude vừa trở về sau chuyến hành trình đi qua biển Đông.
Câu hỏi phóng viên nêu ra là tàu ngầm Pháp tuần tra biển Đông ở trạng thái lặn để đảm bảo bí mật, hay nổi lên mặt nước và treo cờ để hải quân các nước khác nhận ra sự hiện diện của lực lượng Pháp lại vùng biển này.
"Thủy thủ đoàn điều khiển tàu ngầm hạt nhân Emeraude di chuyển gần như âm thầm, chỉ nổi lên ở eo biển Sunda để tự do đi lại theo những gì các hiệp ước hàng hải cho phép và được các tàu mặt nước của Pháp hộ tống", hạm trưởng Delaveau trả lời. Eo biển Sunda nằm giữa các đảo chính của Indonesia.
Chuyến đi qua biển Đông của tàu ngầm Emeraude nằm trong sứ mệnh Marianne, đợt triển khai chưa từng có kéo dài 7 tháng của một tàu hải quân Pháp.
Tàu ngầm hạt nhân này vượt qua quãng đường gần 55.600 km trong 199 ngày trên biển, tham gia diễn tập với hải quân các nước đồng minh gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Indonesia.
Ngoài tàu ngầm Emeraude, Pháp còn điều tàu hậu cần Saine tham gia tuần tra tại biển Đông trong sứ mệnh Marianne rồi tiến ra biển Philippines.
Hai chiến hạm Pháp sau đó cập cảng tại đảo Guam của Mỹ để thay thủy thủ đoàn.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly hôm 8-2-2021 thông báo tàu ngầm hạt nhân Emeraude cùng tàu hậu cần Seine hoàn thành chuyến tuần tra tại biển Đông, song không cung cấp chi tiết về lịch trình của các chiến hạm.
Ông Parly cho biết thêm rằng Pháp có vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và dự định bảo vệ chủ quyền cùng lợi ích ở đó.
Chi tiết hải trình của nhóm chiến hạm Pháp được công bố trong lúc căng thẳng ở giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương chưa hạ nhiệt.
Một video được công bố hồi tuần trước cho thấy hai khu trục hạm Mỹ cùng một khu trục hạm Nhật Bản bám sát nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh trong lúc chiến hạm Trung Quốc diễn tập triển khai và tiếp nhận tiêm kích.
Pháp hồi tháng 9-2020 cùng Anh và Đức gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc, trong đó phản bác yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc với phần lớn diện tích biển Đông.
Công hàm khẳng định việc Trung Quốc vẽ ra cái gọi là "đường cơ sở thẳng" quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và "quyền lịch sử" không phù hợp với các quy định của UNCLOS mà nước này là thành viên.
Ngoài Pháp, một số quốc gia gần đây điều tàu hải quân tới biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại đây, bao gồm các chuyến tuần tra tự do hàng hải của Mỹ.
Chính phủ Đức ngày 2-3-2021 cũng thông báo một hộ vệ hạm của nước này sẽ tới châu Á vào tháng 8 và đi qua biển Đông trên hành trình trở về. Đây sẽ là chiến hạm đầu tiên của Đức đi qua biển Đông kể từ năm 2002.
Việc điều động tàu ngầm hạt nhân tuần tra cho thấy Pháp cùng cộng đồng quốc tế quyết bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông. Tàu ngầm tấn công hạt nhân Émeraude (S604) là chiếc thứ năm thuộc lớp Rubis, được khởi đóng tháng 10/1982, hạ thủy ngày 12/4/1986 và chính thức hoạt động từ ngày 15/12/1988.
Đây chính là lớp tàu ngầm hạt nhân nhỏ nhất thế giới với lượng giãn nước tiêu chuẩn 2.449 tấn và lên tới 2.713 tấn khi lặn. Con tàu có chiều dài 73,6 m; chiều rộng 7,6 m, mớn nước 6,4 m.
Tàu được trang bị lò phản ứng hạt nhân CAS-48 có công suất 48 MW với hệ thống trao đổi nhiệt tích hợp; hai turbine làm việc trên một trục chân vịt; bên cạnh đó là máy phát điện diesel dự phòng.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Rubis có tốc độ di chuyển dưới nước tối đa là 25 hải lý/h, độ sâu lặn cho phép 300 m, tối đa là 500 mét, thời gian hoạt động 60 ngày, thủy thủ đoàn gồm 68 người.
Vũ khí trang bị gồm có 4 ống phóng ngư lôi hạng nặng cỡ 533 mm bố trí phía trước, tàu có khả năng phóng tên lửa chống hạm SM-39 Exocet, triển khai ngư lôi F-17 mod 2, và rải được thủy lôi FG-29.
Những chiếc Rubis tuy có kích thước nhỏ nhưng nhờ trang bị lò phản ứng hạt nhân nên nó có thể lặn thời gian dài hơn so với các tàu ngầm cùng kích cỡ nhưng không được trang bị động cơ hạt nhân.
Bên cạnh đó thiết kế thủy động lực học cũng như chân vịt của tàu ngầm lớp Rubis mang lại cho nó khả năng tàng hình rất cao, khi gần như không thể phát hiện ở trạng thái "săn mồi".
Pháp đang chuẩn bị thay thế toàn bộ tàu ngầm hạt nhân lớp Rubic bằng tàu ngầm hạt nhân Le Triomphant với kích thước lớn hơn và trang bị vũ khí mạnh hơn,.
Việt Hùng