Tàu ngầm Kilo Việt Nam uy lực đột phá khiến báo Trung Quốc ớn
Tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam là một trong những tàu ngầm động cơ thông thường chạy êm nhất thế giới, có khả năng 'đột phá' lực lượng hải quân đối phương, khiến cho đối phương luôn phải dè chừng...
Thời gian gần đây, báo chí Trung Quốc liên tiếp chú ý đến việc Việt Nam đưa ra nhiều tuyên bố chung có đề cập đến vấn đề Biển Đông và hợp tác quốc phòng với các nước như Ấn Độ, Bangladesh, New Zealand, Australia, Indonesia, Pháp…, đồng thời liên tục đề cập đến các hoạt động tăng cường sức mạnh quốc phòng của Việt Nam.
Không chỉ đưa ra các bình luận, thậm chí dị nghị, báo chí Trung Quốc còn đăng tải các hình ảnh rất rõ về các loại tàu chiến cùng và các hoạt động huấn luyện, diễn tập có liên quan...
Mua sắm vũ khí Nga
Đáng chú ý, theo Sina Trung Quốc ngày 3/4, từ lâu Trung Quốc đã mua sắm vũ khí trang bị của Nga, chẳng hạn vào thập niên 50 - 60 của thế kỷ trước mua toàn bộ vũ khí hạng nhẹ từ Nga, đến thế kỷ mới từng bước chuyển sang mua vũ khí tiên tiến, hiện đại như các máy bay chiến đấu Su-30, Su-35 và hệ thống phòng không S-300, S-400, thậm chí còn mua tàu ngầm lớp Kilo.
Tuy nhiên, điều trùng hợp là cùng với việc Trung Quốc mua sắm quy mô lớn những vũ khí trang bị này, một quốc gia láng giềng của Trung Quốc cũng đang mua sắm, nước này hoàn toàn không phải là Ấn Độ, mà là Việt Nam.
Theo báo chí Trung Quốc, cùng với việc Trung Quốc đặt mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, báo chí Nga tiết lộ Việt Nam đã cử một đoàn đại biểu cấp cao đến Nga tiến hành đàm phán về việc mua sắm các loại trang bị tiên tiến như S-400.
Theo quan điểm của phía Nga, nếu Việt Nam mua sắm hệ thống phòng không mới thì thực lực phòng không tổng thể của Việt Nam sẽ không thể coi thường, thậm chí có thể "kê cao gối mà ngủ ngon".
Ngoài ra, năm 2006, Việt Nam còn mạnh tay chi tiền mua sắm 6 tàu ngầm động cơ thông thường lớp Kilo của Nga, đến nay đã bàn giao toàn bộ cho hải quân Việt Nam, thực lực tổng thể của hải quân Việt Nam đã tăng rất mạnh ở khu vực châu Á, thậm chí có thể đứng vào "hàng đầu".
Nhưng tại sao Việt Nam lại đẩy mạnh mua sắm vũ khí trang bị như vậy? Sina Trung Quốc dị nghị cho rằng nguyên nhân chính là để "đọ sức" với Trung Quốc. Điều này cho thấy mặc dù thực lực tổng thể còn hạn chế, nhưng Việt Nam vẫn đi theo con đường lấy "cứng đối cứng".
Sina tự tin cho rằng cho dù Việt Nam có mua nhiều vũ khí trang bị tiên tiên hơn thì cũng không thể "chống lại" đối phương. Chẳng hạn, Việt Nam cơ bản muốn mua khoảng 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400, nhưng 4 tiểu đoàn này không thể bao quát toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam, vẫn còn có lỗ hổng và có thể bị đối phương tiến hành "đột phá" từ những lỗ hổng này.
Ngoài ra, mặc dù S-400 có tính năng tiên tiến, nhưng nó đã được nghiên cứu chế tạo từ hơn 10 năm trước, nó vẫn có không ít lỗ hổng. Radar của hệ thống S-400 có thể sẽ phải "bó tay" trước máy bay chiến đấu tàng hình.
Sina khoe khoang rằng, hiện nay quân đội Trung Quốc vừa trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 và đã sơ bộ hình thành quy mô tác chiến, hoàn toàn có khả năng tiến hành tấn công chính xác.
Ngoài ra, Sina tìm cách dìm hàng, cho rằng 32 máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Việt Nam cũng có vai trò hạn chế, kể cả những vũ khí trang bị khác.
Tuy nhiên, Sina cảnh giác cho rằng những trang bị Việt Nam mua hoàn toàn không phải không có tác dụng. Chẳng hạn những tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam là một trong những tàu ngầm động cơ thông thường chạy êm nhất thế giới, rất khó bị phát hiện.
Điều này có nghĩa là, Việt Nam vẫn có khả năng tiến hành "đột phá" vào lực lượng hải quân của đối phương. Ngoài ra, số lượng và chất lượng các loại ngư lôi săn ngầm và ngư lôi thông thường của loại tàu ngầm này đều ưu việt.
Do đó, Sina Trung Quốc kết luận cho rằng 6 tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Việt Nam hoạt động ở dưới nước là lực lượng có thể tiến hành răn đe hiệu quả đối phương. Trong khi những trang bị khác của Việt Nam không có nhiều ý nghĩa.
Nhận vũ khí trang bị từ Mỹ
Trang tin China.com Trung Quốc ngày 6/4 cho biết Mỹ bán hoặc chuyển nhượng phần lớn tàu tuần tra lớp Hamilton đã nghỉ hưu cho các nước đối tác, trong đó Philippines nhận được 3 chiếc, Bangladesh 2 chiếc, Nigeria 2 chiếc, Việt Nam 3 chiếc.
Tuy nhiên, tờ báo này của Trung Quốc không biết lấy lý do gì mà lại đơm đặt rằng việc Mỹ cung cấp 3 tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam là để “lôi kéo” Việt Nam. Kinh phí sửa chữa và đào tạo cán bộ sẽ do Việt Nam chi trả.
Hơn nữa, Mỹ còn “tặng miễn phí” xuồng tuần tra Metal Shark cho Việt Nam. Loại trang bị tiên tiến này rất được Việt Nam hoan nghênh. Đến nay, Việt Nam đã nhận được 12 xuồng tuần tra loại này, giúp cho Việt Nam tăng mạnh khả năng thực thi pháp luật trên biển.
Ngoài ra, Mỹ sẽ cung cấp ngày càng nhiều trang bị cho Việt Nam, đặc biệt là những trang bị trên biển. Việc tích cực cung cấp các trang bị trên biển có lợi cho cải thiện quan hệ Mỹ - Việt và Mỹ đang sẵn lòng làm việc này.