Tàu ngầm Mỹ mất tích hơn một thế kỷ được phát hiện còn nguyên vẹn ngoài khơi San Diego

Một chiếc tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ bị chìm cách đây hơn 100 năm trong Thế chiến thứ nhất đã được các nhà khoa học phát hiện và khảo sát trong tình trạng 'còn nguyên vẹn đáng kinh ngạc' ngoài khơi bờ biển San Diego. Đồng thời, xác một máy bay huấn luyện của Hải quân Mỹ bị rơi vào năm 1950 ở gần khu vực này cũng đã được xác định.

Hai phương tiện quân sự mất tích lâu năm — một tàu ngầm Mỹ chìm trong một vụ tai nạn huấn luyện vào năm 1917 và một máy bay ném bom huấn luyện của Hải quân Hoa Kỳ rơi gần đó vào năm 1950 — đã được xác định dưới đáy biển, cách San Diego vài dặm. Tàu ngầm USS F-1 đã chìm chỉ trong vài giây sau khi va chạm với một tàu ngầm khác của Hải quân, khiến 19 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng và chỉ ba người được cứu sống.

Phát hiện quan trọng này được thực hiện trong chuyến thám hiểm đầu năm nay bởi các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hải dương học Woods Hole (WHOI) phối hợp cùng Hải quân Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên xác tàu ngầm USS F-1 được định vị và khảo sát kể từ khi gặp nạn. Hiện nay, xác tàu nằm dưới đáy biển ở độ sâu hơn 1.300 feet (khoảng 400 mét) — một độ sâu vượt quá khả năng tiếp cận của thợ lặn. Do đó, việc khảo sát được thực hiện nhờ vào tàu ngầm có người lái Alvin (HOV) và tàu ngầm tự hành Sentry (AUV), triển khai từ tàu nghiên cứu Atlantis của WHOI.

Một bản dựng lại được thực hiện từ các bức ảnh kỹ thuật số chi tiết và dữ liệu sonar cho thấy tàu ngầm F-1 của Hoa Kỳ nằm trên đáy biển cách San Diego vài dặm.

Một bản dựng lại được thực hiện từ các bức ảnh kỹ thuật số chi tiết và dữ liệu sonar cho thấy tàu ngầm F-1 của Hoa Kỳ nằm trên đáy biển cách San Diego vài dặm.

“Hai công cụ hải dương học quan trọng này hoạt động cực kỳ hiệu quả khi phối hợp với nhau,” ông Bruce Strickrott, Giám đốc nhóm vận hành Alvin tại WHOI, chia sẻ qua email với Live Science. “Sự kết hợp giữa hai năng lực này đã cách mạng hóa nghiên cứu và thám hiểm hải dương học biển sâu, và hiện đang trở thành một phần thường trực trong các nhiệm vụ của Alvin.”

Ông Bradley Krueger, nhà khảo cổ học dưới nước thuộc Bộ Tư lệnh Di sản và Lịch sử Hải quân Hoa Kỳ (NHHC), là người trực tiếp tham gia một số chuyến lặn trên tàu Alvin và ghi chép lại chi tiết vụ tai nạn chết người năm 1917. “USS F-1 đang thực hiện một cuộc chạy thử kỹ thuật và đánh giá hiệu suất kéo dài 48 giờ trong hành trình từ San Pedro đến San Diego, California, thì vụ va chạm xảy ra,” ông Krueger cho biết. “Cùng lúc đó, hai tàu ngầm USS F-2 và USS F-3 cũng đang tiến hành các thử nghiệm tương tự thì cả ba gặp vùng sương mù dày đặc. USS F-3 đã va vào USS F-1. Sau vụ va chạm, USS F-3 ở lại hiện trường để hỗ trợ cứu người sống sót trên mặt nước.”

Ông Stickrott đã xác định vị trí sơ bộ của xác tàu từ hồ sơ của Hải quân, sau đó điều tàu AUV Sentry đến khảo sát khu vực. Ngay trong buổi chiều đầu tiên của cuộc tìm kiếm, tàu ngầm này đã phát hiện được xác tàu. Theo ông Stickrott, USS F-1 hiện nằm nghiêng về phía mạn phải với mũi tàu hướng về phía tây bắc. Các cuộc lặn sau đó bằng tàu Alvin cho thấy xác tàu còn "nguyên vẹn một cách đáng kinh ngạc" sau hơn 100 năm dưới đáy biển.

Xác tàu hiện nay được xem là một nghĩa trang chiến tranh, nơi yên nghỉ của 19 thủy thủ thiệt mạng trong vụ tai nạn năm 1917. WHOI và Hải quân Mỹ đã thống nhất không tiếp xúc với xác tàu nhằm bảo vệ hiện trạng và tôn trọng di sản lịch sử.

Cũng trong chuyến thám hiểm này, nhóm nghiên cứu đã khảo sát xác máy bay ném bom ngư lôi Grumman TBF Avenger, rơi xuống vùng biển gần đó khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện vào năm 1950. Ông Stickrott cho biết xác máy bay đã được WHOI biết đến trong nhiều năm và từng là địa điểm cho các cuộc lặn kỹ thuật trên tàu Alvin. Tuy nhiên, vị trí chính xác của xác máy bay lại chưa được Hải quân ghi nhận, do đó việc khảo sát lần này giúp bổ sung thông tin chính xác vào hồ sơ của Hải quân.

Các cuộc lặn cũng giúp NHHC xác định danh tính chính thức của chiếc máy bay và xác nhận rằng toàn bộ phi hành đoàn đã sống sót sau vụ tai nạn. Đặc biệt, ông Stickrott chia sẻ rằng ông từng thắc mắc về con số “13” in trên vỏ động cơ của máy bay, một "dấu hiệu mê tín rõ ràng." Sau này mới được xác định đây là số hiệu của phi đội huấn luyện mà máy bay này từng thuộc về vào thời điểm xảy ra tai nạn. “Nhưng tôi luôn tự hỏi không biết phi công và phi đội nghĩ gì về con số đó,” ông nói thêm.

Bảo Ngọc (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/tau-ngam-my-mat-tich-hon-mot-the-ky-duoc-phat-hien-con-nguyen-ven-ngoai-khoi-san-diego/20250524081743334