Tàu Ô - Xóm Ruộng: Một thời đạn bom, một thời hòa bình

Chiến tranh đã lùi xa, 50 năm với biết bao đổi thay, địa danh Tàu Ô - nơi được ví như 'bức tường thép' trên Đường 13 ngày nào nay đã trở thành khu di tích lịch sử. Nơi đây vẫn còn lưu giữ những ký ức không thể quên về một thời lửa đạn, một thời oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4, Sư đoàn 7, các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Bình Phước.

Chốt chặn Tàu Ô - một thời hoa lửa

Sau khi Lộc Ninh được giải phóng (ngày 7-4-1972), quân ta bao vây thị xã An Lộc, gián tiếp uy hiếp Sài Gòn, địch điều binh chi viện cho thị xã An Lộc và hòng tái chiếm Lộc Ninh. Bộ tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 7 chốt chặn Đường 13 từ phía Nam thị xã An Lộc đến phía Bắc huyện Chơn Thành, lấy khu vực Tàu Ô - Xóm Ruộng thuộc Hớn Quản làm khu vực then chốt. Do vị trí đặc biệt quan trọng nên Tàu Ô trở thành chiến lũy án ngự đoạn Đường 13, đây là bàn đạp quan trọng để ta phát triển xuống vùng trung tuyến hoặc địch tiến ra vùng giải phóng. Tàu Ô trở thành khu vực trọng điểm giành giật giữa ta và địch trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ và chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, quân và dân ta giành được những thắng lợi quan trọng, tạo bước phát triển cả về lực lượng và thế trận trên chiến trường Đông Nam Bộ. Thế nhưng, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, hơn 5.000 đồng bào bị sát hại. 50 năm đã trôi qua, nhưng trong lòng những người ở lại, ký ức về một Tàu Ô rực lửa vẫn vẹn nguyên…

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 vẫn nhớ như in diễn biến từng trận đánh tại Chốt chặn Tàu Ô năm 1972

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 vẫn nhớ như in diễn biến từng trận đánh tại Chốt chặn Tàu Ô năm 1972

Trở lại Tàu Ô vào một ngày tháng 8 lịch sử, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 vẫn nhớ như in diễn biến từng trận đánh tại Chốt chặn Tàu Ô năm ấy. Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, đầu tháng 4-1972, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực ngụy quân Sài Gòn đáp máy bay xuống căn cứ Lai Khê, nay thuộc huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương và làm việc với chỉ huy các sư đoàn 5, 21, 25. Tại cuộc họp, tướng Viên hỏi: “Các anh nói coi, tại sao đến nay vẫn chưa khai thông được Tàu Ô? Tàu Ô là cái gì? Tất cả anh em nói đi. Tổng thống và Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ đang đợi các anh trả lời”.

Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Sư đoàn 21 ngụy báo cáo: “Tôi đã bay lên quan sát, mặt đất Tàu Ô lúc này còn ghê gớm hơn cả hình ảnh mặt trăng mà nhà du hành vũ trụ Hoa Kỳ chụp được, tôi không thể giải thích được vì sao Việt Cộng lại sống được ở đó và lại có thể từ đó trồi lên chặn đứng các cuộc tấn công của ta. Tôi nghi rằng, cũng như Củ Chi, Việt Cộng đào địa đạo xuyên qua Đường 13 từ Tây sang Đông, khi phi pháo của ta oanh kích, Việt Cộng xuống đường hầm, hết oanh kích, Việt Cộng lại lên quạt AK-47, B40, ném lựu đạn đánh các tân binh của ta”.

Một màu xanh tươi mát tràn đầy sức sống dần hiện hữu tại Di tích địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô bởi những hàng cây do các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang và tỉnh Bình Phước trồng lưu niệm

Một màu xanh tươi mát tràn đầy sức sống dần hiện hữu tại Di tích địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô bởi những hàng cây do các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang và tỉnh Bình Phước trồng lưu niệm

Còn tướng Lê Văn Tư, Tư lệnh Sư đoàn 25 ngụy và tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Sư đoàn 5 ngụy đề nghị tăng cường 2 sư đoàn bộ binh, 2 trung đoàn xe tăng, thiết giáp, 1 lữ đoàn dù, cùng với hỏa lực gồm 3 vạn pháo binh, 5 ngàn quả pháo, cùng với máy bay chiến thuật tập trung đánh vào Tàu Ô 3 ngày liên tục. Tướng Lê Văn Tư cho rằng, Việt Cộng có là sắt thép cũng phải tan thành nước, nát thành tro bụi, khi ấy, Bộ binh Sư đoàn 25 và biệt động quân chỉ cần ung dung hành quân qua một vùng đất hoang không còn bóng người, cây cỏ, thậm chí cả giun, dế cũng không còn.

Về phía ta, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh cho biết thêm: Thực hiện phương châm chỉ đạo chiến dịch “chốt cứng, chặn đứng”, giữ vững trận địa dài ngày, không cho xe dưới lên, trên xuống; với khẩu hiệu “Một người là một mũi thép tiến công, một tổ là một trụ thép. Lấy vũ khí của địch để đánh địch, một người có thể sử dụng nhiều loại vũ khí”, từ ngày 5-4 đến 28-8-1972, trên đoạn đường dài gần 20km từ cầu Cần Lê đến Nam Chơn Thành, lấy Tàu Ô làm điểm chốt chính, Sư đoàn 7 cùng quân và dân địa phương đã tổ chức đánh hơn 800 trận lớn, nhỏ với nhiều hình thức khác nhau, tiêu diệt 8.189 tên địch; bắt 211 tên; bắn rơi và phá hủy 119 máy bay các loại; phá hủy 202 xe các loại; 102 khẩu pháo; thu 390 súng các loại. Địch thiệt hại nặng buộc phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến, từ bỏ ý đồ giải tỏa Đường 13.

“Trải qua 150 ngày, đêm chiến đấu anh dũng, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không có một tên địch, một chiếc xe nào vượt qua được Tàu Ô. Tuy nhiên, trong chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô đã có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Phước anh dũng ngã xuống, có những người đến tận hôm nay vẫn chưa tìm được hài cốt” - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh ngậm ngùi chia sẻ.

Tàu Ô hôm nay

Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 và Chốt chặn Tàu Ô đã trở thành biểu tượng hào hùng, bi tráng của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Phước trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu những chiến công của quân và dân ta trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 và chốt chặn Tàu Ô cho người dân đến tham quan

Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu những chiến công của quân và dân ta trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 và chốt chặn Tàu Ô cho người dân đến tham quan

Để tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7, quân và dân địa phương trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, năm 2009, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Ban Liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 7 và Sư đoàn 7 đã tổ chức xây dựng công trình Tượng đài chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô trên diện tích 11.451,7m2, gồm 2 hạng mục công trình chính: Nhà bia tưởng niệm và Tượng đài chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô. Ngày 29-3-2012, di tích Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử quốc gia. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ của các chuyến về nguồn, tham quan, học tập của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Trong dòng người về với Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô những ngày này, chúng tôi được gặp, được nghe những giãi bày, chia sẻ cảm xúc của người trẻ đối với những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh cho độc lập, tự do của đất nước.

Di tích địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô là địa chỉ đỏ để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Hớn Quản nói riêng, Bình Phước nói chung

Di tích địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô là địa chỉ đỏ để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Hớn Quản nói riêng, Bình Phước nói chung

Em Kiều Ngọc Trinh, học sinh lớp 12A, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, huyện Hớn Quản cho biết: Em rất tự hào khi được sinh ra tại quê hương Hớn Quản anh hùng. Nhờ sự hy sinh của các bác, cô, chú, chúng em mới có được cuộc sống hòa bình, ổn định như hôm nay. Em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để đóng góp công sức nhỏ bé xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Anh Lê Thanh Hoàng, Bí thư Huyện đoàn Hớn Quản cho hay: Thời gian qua, cùng với tuổi trẻ tỉnh nhà, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn” của tuổi trẻ huyện Hớn Quản đã trở thành hoạt động thường xuyên gắn với những phần việc, công trình, hành động cụ thể. Hàng ngàn đoàn viên, thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện đã tỏa khắp các nẻo đường, ra quân dọn vệ sinh môi trường, chỉnh trang, làm đẹp các đài tưởng niệm liệt sĩ xã; thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, thương - bệnh binh và gia đình có chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Qua các phong trào, hoạt động không chỉ góp phần cùng toàn xã hội chăm sóc, đền đáp công ơn những người có công, gia đình người có công; sâu xa hơn còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ biết sống nhân ái, biết trân trọng những giá trị truyền thống cao đẹp của quá khứ, để hướng tới tương lai tươi sáng.

Trần Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/136432/tau-o-xom-ruong-mot-thoi-dan-bom-mot-thoi-hoa-binh