Tàu sân bay Hải quân Nga 'đen đủi nhất hành tinh': Chưa biết bao giờ hoạt động trở lại!

Bình luận về các sự cố mà tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov gặp phải, chuyên gia Jeffrey Edmonds tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ cho rằng 'đó là con tàu kém may mắn nhất hành tinh'.

Hải quân Nga đang sở hữu duy nhất một tàu sân bay - Đô đốc Kuznetsov, và rất có thể nó sẽ không bao giờ hoạt động trở lại sau khi gặp phải một loạt các vấn đề về kỹ thuật và sự cố trong những năm vừa qua.

Đô đốc Kuznetsov bắt đầu được Nga tiến hành “cải tổ toàn diện” từ năm 2018 và theo dự kiến ban đầu sẽ đưa trở lại hoạt động vào năm 2022, nhưng viễn cảnh này cho tới nay vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Theo thông tin mới nhất mà Hải quân Nga đưa ra hồi tháng 6/2022 thì mốc thời gian này tiếp tục bị đẩy lùi tới tận năm 2024!

Ngày 8/6, hãng thông tấn TASS đưa tin tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đã gặp thêm nhiều vấn đề trong quá trình sửa chữa và vì vậy con tàu sẽ lưu lại tại ụ nổi lâu hơn mốc thời gian dự kiến ban đầu.

Su-33 (trái) và MiG-29K (phải) trên tàu Đô đốc Kuznetsov ở Địa Trung Hải, ngoài khơi Syria ngày 8/1/2017. Ảnh: TASS

Su-33 (trái) và MiG-29K (phải) trên tàu Đô đốc Kuznetsov ở Địa Trung Hải, ngoài khơi Syria ngày 8/1/2017. Ảnh: TASS

ĐÔ ĐỐC KUZNETSOV: SOÁI HẠM MỘT THỜI CỦA HẢI QUÂN NGA

Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga được đưa vào hoạt động năm 1991 ngay trước khi Liên Xô sụp đổ. Tàu có chiều dài 304,5 m, rộng 35,4 m, lượng choán nước là 58.000 tấn. Boong tàu sân bay rộng 14.700 m2 với đường cất cánh hếch lên một góc 12 độ.

Ngay từ trước khi ra đời, Đô đốc Kuznetsov đã được định hướng thiết kế với tư duy chiến thuật khác biệt: Là mẫu tàu chiến “lai tạp” giữa tuần dương hạm mang tên lửa hạng nặng và tàu sân bay trực thăng, không giống với bất kỳ một tàu sân bay nào khác trên thế giới.

Liên Xô muốn biến Đô đốc Kuznetsov trở thành một hàng không mẫu hạm với kho vũ khí khổng lồ có sức hủy diệt khủng khiếp (trong đó có 12 tên lửa hành trình chống hạm P-700 Granit dẫn đường radar và 190 tên lửa phòng không), và đặc biệt có thể độc lập tác chiến.

Đô đốc Kuznetsov được trang bị 4 động cơ tuabin hơi cao áp, có tổng công suất 200.000 mã lực, tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ; tầm hoạt động liên tục là 8.000 hải lý. Biên chế toàn bộ thủy thủ trên tàu là 2.100 người.

Vào thời điểm hạ thủy con tàu, lúc đó Liên Xô chỉ có máy bay tiêm kích hạm Su-27K và MiG-29K, một số loại trực thăng làm nhiệm vụ trinh sát, cứu hộ và chống ngầm có thể cất và hạ cánh trên boong của nó. Các tiêm kích và cường kích sẽ cất cánh từ một đường băng dốc kiểu nhảy cầu.

Hiện nay, tàu sân bay này có thể chở theo 24 - 26 chiến đấu cơ Su-33 và 12 trực thăng. Bên cạnh đó, tàu còn được trang bị hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm.

Hình ảnh tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov ở cảng Murmansk, miền bắc nước Nga vào tháng 5/2018. Ảnh: CNN

Hình ảnh tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov ở cảng Murmansk, miền bắc nước Nga vào tháng 5/2018. Ảnh: CNN

TÀU SÂN BAY GẶP NHIỀU SỰ CỐ “ĐEN ĐỦI” NHẤT

Đầu tiên, lịch sử của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, từ khi thai nghén cho đến khi hạ thủy rồi đưa vào hoạt động đã phải 4 lần đổi tên. Đây có lẽ cũng là chiếc tàu sân bay được đổi tên nhiều nhất trên thế giới.

Ban đầu, tàu được đặt tên là Riga nhưng hạ thủy vào năm 1985 thì lại có tên gọi Leonid Brezhnev, bắt đầu thử nghiệm trên biển với tên Tbilisi và cuối cùng được đưa vào hoạt động chính thức với tên gọi Đô đốc Hạm đội Liên Xô Kuznetsov vào năm 1990.

Kể từ khi gia nhập Hạm đội Phương Bắc vào năm 1991, Đô đốc Kuznetsov đã trở nên nổi tiếng với những sự cố và trục trặc. Tháng 1/2009, khi ở ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, hỏa hoạn trên tàu đã khiến một thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng. Một tháng sau, con tàu tiếp tục gặp sự cố ngoài khơi bờ biển Ireland, làm rò rỉ khoảng 300 tấn dầu vào đại dương.

Đô đốc Kuznetsov tham chiến lần đầu tiên vào ngày 15/11/2016 khi thực hành phóng tên lửa hành trình Kalibr để tấn công các mục tiêu khủng bố của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria. Đây cũng là mốc đánh dấu lần đầu tiên, một tàu sân bay của Nga tham chiến thực sự.

Tuy nhiên, trong lần tham chiến đầu tiên này, 2 chiếc máy bay chiến đấu hạm của Kuznetsov đã bị rơi: Một MiG-29 bị rơi xuống Địa Trung Hải khi đang cố gắng hạ cánh và một tiêm kích Su-33 tiếp tục đâm xuống biển sau khi cáp hãm đà trên tàu sân bay bị đứt và không thể dừng máy bay.

Đô đốc Kuznetsov trở nên nổi tiếng ở Anh vào năm 2017 khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này khi đó là ông Michael Fallon gọi nó là "con tàu xấu hổ" khi tàu đi qua vùng biển gần bờ biển Anh với làn khói đen dày đặc.

Khói bốc lên từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trong vụ hỏa hoạn ở Murmansk, Nga. Ảnh: AP

Khói bốc lên từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trong vụ hỏa hoạn ở Murmansk, Nga. Ảnh: AP

Sau khi trở về từ Syria, Đô đốc Kuznetsov bắt đầu được đại tu và hiện đại hóa để kéo dài thời gian hoạt động. Thế nhưng, ngay cả khi ở cảng, những rắc rối vẫn tiếp tục đeo bám Đô đốc Kuznetsov.

Năm 2018, ụ nổi khổng lồ nơi tàu đang được đại tu bị chìm khiến cần cẩu 70 tấn đổ sập, làm hư hỏng sàn đáp. Vụ việc khiến 1 công nhân thiệt mạng, 4 người bị thương và để lại một hố lớn trên boong.

Một năm sau, một vụ hỏa hoạn nữa lại xảy ra khi các công nhân đang hàn trong phòng máy khiến 2 người thiệt mạng và 11 người khác bị thương.

Gần đây nhất, giám đốc nhà máy đóng tàu giám sát việc tái trang bị đã bị bắt và bị buộc tội tham ô khoảng 45 triệu Rúp được phân bổ cho việc sửa chữa tàu sân bay.

Bình luận về các sự cố mà Đô đốc Kuznetsov gặp phải, Jeffrey Edmonds - nhà khoa học nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ cho rằng “đó là con tàu kém may mắn nhất hành tinh”.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tau-san-bay-hai-quan-nga-den-dui-nhat-hanh-tinh-chua-biet-bao-gio-hoat-dong-tro-lai-820221771052537.htm