Tàu sân bay Mỹ cập cảng Hàn Quốc sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng vệ tinh
Triều Tiên sáng nay thông báo cho Lực lượng tuần duyên Nhật Bản về kế hoạch phóng tên lửa mang theo vệ tinh trinh sát lên quỹ đạo, trong khoảng thời gian từ 22/11 đến ngày 1/12 tới, theo hướng Hoàng Hải và biển Hoa Đông. Hàn Quốc và Nhật Bản đang lên kế hoạch ứng phó, trong khi Mỹ cũng đã điều tàu sân bay tới khu vực.
Sau 2 lần phóng thất bại vào tháng 5 và tháng 8 vừa qua, Triều Tiên sắp có vụ phóng thử vệ tinh thứ 3 trong năm của mình. Ban đầu, kế hoạch phóng dự kiến diễn ra vào tháng 10, song đã bị lùi lại không rõ lý do. Giới quan sát cho rằng, lần phóng này, Triều Tiên cần thêm thời gian cho khâu chuẩn bị.
Ngay sau thông báo của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng bước đi của Triều Tiên cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bày tỏ lo ngại và yêu cầu các bên liên quan tập trung theo dõi, phân tích dữ liệu, đảm bảo an toàn cho nhân dân, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc ngăn chặn hành vi của Triều Tiên.
Ông Kishida nhận định vụ phóng vệ tinh là mục đích nhưng nếu sử dụng kỹ thuật tên lửa đạn đạo thì đây là hành vi vi phạm Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Ông cũng chỉ đạo chuẩn bị hoạt động ứng phó cần thiết như bố trí tổ hợp tên lửa PAC 3, tàu Aegis…đối với tỉnh Okinawa và khu vực lân cận.
Trong khi đó, người phụ trách vấn đề Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã điện đàm với người phụ trách vấn đề Triều Tiên của Mỹ, Hàn Quốc, thống nhất hợp tác trong vấn đề ứng phó với hành vi của Triều Tiên.
Quân đội Hàn Quốc cũng lên án Triều Tiên và yêu cầu nước này hủy bỏ mọi kế hoạch phóng vệ tinh, cho đây là hành động khiêu khích đe dọa an ninh của Hàn Quốc và khu vực. Trung tướng Kang Hophil cho biết: “Chúng tôi cảnh báo Triều Tiên rằng cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ các hoạt động bất hợp pháp của nước này và Bình Nhưỡng cần ngay lập tức ngừng kế hoạch phóng vệ tinh do thám quân sự hiện đang được chuẩn bị.”
Phía Hàn Quốc cũng khẳng định nếu vụ phóng diễn ra thì đây là hành vi vi phạm Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, bởi nếu gắn bom trên vệ tinh thì tên lửa đẩy sẽ trở thành tên lửa đạn đạo tầm xa.
Bên cạnh đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc ngày 20/11 đã kêu gọi miền Triều Tiên nhìn thẳng vào thực trạng bị cộng đồng quốc tế ra sức chỉ trích về các hành vi phạm pháp, và dừng ngay công tác chuẩn bị vụ phóng.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng chỉ trích rằng Triều Tiên đã liên tục vi phạm đa số các thỏa thuận liên Triều, đặc biệt là Thỏa thuận quân sự liên Triều 19/9. Cụ thể là vụ việc Triều Tiên bắn pháo bờ biển từ đảo Changrin, gần biên giới liên Triều trên biển Tây vào năm 2019 và vụ máy bay không người lái (drone) của nước này xâm phạm khu vực thủ đô Hàn Quốc hồi cuối năm 2022. Theo Hàn Quốc, những hành vi này đã cho thấy Bình Nhưỡng không hề có ý định tuân thủ thỏa thuận.
Hàn Quốc cho biết sẽ theo sát và thực hiện các biện pháp cần thiết, nếu Triều Tiên tiếp tục vụ phóng. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng lưu ý và nhắc lại về 2 vụ phóng trước đó diễn ra vào đầu giờ sáng ngày đầu tiên trong thông báo của Triều Tiên và dự đoán lần thử thứ 3 này có thể sẽ thành công. Cơ quan an toàn hàng hải nhà nước Hàn Quốc cũng phát đi khuyến cáo đi lại đối với các tàu, thuyền trong khu vực khu vực Triều Tiên cảnh báo.
Đúng ngày hôm nay 21/11, tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đã cập cảng Busan, Hàn Quốc, nhằm thể hiện sự răn đe mở rộng trước chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Theo Chuẩn đô đốc Hàn Quốc Kim Ji-hoon, sự xuất hiện của tàu sân bay USS Carl Vinson cho thấy, trạng thái phòng thủ kết hợp mạnh mẽ, và quyết tâm sẵn sàng đáp trả trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng của Triều Tiên từ phía liên minh Mỹ - Hàn.
Như các lần trước, Triều Tiên coi các chương trình tên lửa quân sự và không gian thuộc quyền chủ quyền của nước này, đồng thời thông báo về kế hoạch sẽ triển khai một đội vệ tinh để theo dõi các động thái của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Đây sẽ là vụ phóng đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi thăm trạm vũ trụ hiện đại của Nga vào tháng 9 - nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin hứa sẽ giúp Bình Nhưỡng chế tạo vệ tinh. Kế hoạch phóng vệ tinh được đưa ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên lên án kế hoạch của Mỹ bán hàng trăm tên lửa cho Nhật Bản và Hàn Quốc - coi đây là một hành động nguy hiểm buộc Triều Tiên phải tăng cường khả năng răn đe.
Vụ phóng của Triều Tiên cũng được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh Hàn Quốc cũng có kế hoạch riêng phóng vệ tinh trinh sát đầu tiên từ California, Mỹ vào ngày 30/11 tới, với sự hỗ trợ của đồng minh số một.