Tàu tiếp vận duy nhất của Hải quân Mỹ ở Trung Đông gặp nạn

USNS Big Horn, tàu tiếp dầu duy nhất của Hải quân Mỹ phục vụ Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đã bị hư hỏng khi hoạt động trên biển vào đêm 23 tháng 9. Tàu này được triển khai ở Trung Đông để hỗ trợ Israel trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra với Hamas và căng thẳng gia tăng giữa nhà nước Do Thái với các nhóm vũ trang khác ở khu vực.

Tàu tiếp dầu USNS Big Horn (T-AO-198) cập cảng Duqm, Oman vào ngày 24 tháng 9 năm 2024.

Tàu tiếp dầu USNS Big Horn (T-AO-198) cập cảng Duqm, Oman vào ngày 24 tháng 9 năm 2024.

“USNS Big Horn (T-AO-198), một tàu chở dầu tiếp tế, đã bị hư hỏng khi hoạt động trên biển trong khu vực hoạt động của Hạm đội 5. Tất cả thủy thủ đoàn gồm 80 thành viên đang được kéo vào cảng để kiểm tra và sửa chữa. Hạm đội 5 đang đánh giá tình hình”, một quan chức Hải quân Mỹ nói với USNI News hôm 24/9.

Theo một người theo dõi tàu địa phương, hiện tàu USNS Big Horn đã vào cảng Duqm, Oman, với sự hỗ trợ của tàu kéo vào chiều 24/9, theo giờ địa phương. Một quan chức Hải quân đã xác nhận với USNI News rằng tàu chở dầu đã ở cảng Oman vào ngày 25/9.

Hiện con tàu đang được đánh giá để sửa chữa, trong khi công tác điều tra nguyên nhân của vụ va chạm dưới nước khiến tàu bị hư hỏng đang diễn ra.

Các quan chức Hải quân Mỹ hiện chưa thông báo chi tiết về thiệt hại đối với Big Horn, ngoài việc nói rằng không có rò rỉ nhiên liệu rõ ràng từ tàu chở dầu 42.000 tấn.

Trước đó, một quan chức Mỹ đã nói với USNI News tàu Big Horn có khả năng đã mắc cạn hoặc đâm vào một vật thể dưới nước khi đang hoạt động ở Biển Ả-rập ngoài khơi bờ biển Oman.

Hiện vẫn còn quá sớm để xác định nguyên nhân gây hư hỏng tàu Big Horn, tuy nhiên quan chức quân đội cho biết khó có khả năng con tàu này đã va chạm với tàu khác.

Một trong các khoang của tàu đã bị ngập nước, buộc thủy thủ đoàn phải hành động kịp thời. Rất có khả năng tàu đã mắc cạn ở vùng nước nông hoặc va phải một vật thể nào đó. Các quan chức không loại trừ khả năng tàu bị tấn công bằng thủy lôi, nhưng cho rằng khả năng này rất thấp.

Các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một khoang kỹ thuật phía sau của tàu bị ngập nước và một nắp bánh lái bị hỏng.

Big Horn là một loại tàu được gọi là “tàu tiếp dầu”, chuyên chở nhiên liệu và các nguồn cung cấp quan trọng khác cho các tàu và máy bay được triển khai trong nhóm tác chiến.

Theo CBS News, tàu Big Horn đã mắc cạn sau một nhiệm vụ tiếp tế gần đây, với những bức ảnh do quân đội Mỹ công bố cho thấy các thủy thủ trên tàu Abraham Lincoln đang nhận hàng tiếp tế từ tàu chở dầu vào ngày 5 tháng 9, trong khi một bức ảnh khác từ ngày 11 tháng 9 cho thấy Big Horn bên cạnh tàu Lincoln.

Tàu sân bay Abraham Lincoln và các tàu Hải quân liên quan đã tuần tra Biển Ả-rập để hỗ trợ Israel và bảo vệ tài sản của Mỹ trong khu vực. Con tàu đã đóng một vai trò trong hoạt động chung của Mỹ và Anh nhằm ngăn chặn lực lượng Houthi ở Yemen tấn công các tàu thương mại và quân sự trong khu vực, bao gồm cả các tuyến đường vận chuyển quan trọng của Biển Đỏ. Lực lượng Houthi tuyên bố các cuộc tấn công của họ vào tàu vận chuyển nhằm hỗ trợ người Palestine trong cuộc chiến với Israel.

Câu hỏi đặt ra với Hải quân Mỹ

Tàu tiếp dầu USNS Big Horn lớp Henry J. Kaiser di chuyển cùng tàu sân bay lớp Nimitz USS Abraham Lincoln trong một hoạt động tiếp dầu trên biển, ngày 11 tháng 9 năm 2024. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu tiếp dầu USNS Big Horn lớp Henry J. Kaiser di chuyển cùng tàu sân bay lớp Nimitz USS Abraham Lincoln trong một hoạt động tiếp dầu trên biển, ngày 11 tháng 9 năm 2024. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Hiện không có báo cáo nào về thương tích xảy ra trong sự cố đối với tàu Big Horn. Cũng không có tàu nào khác bị ảnh hưởng trực tiếp và không có dấu hiệu rò rỉ nhiên liệu từ tàu chở dầu này. Tuy nhiên, sự cố xảy ra đối với tàu tiếp dầu duy nhất của Hải quân Mỹ trong khu vực có nhiệm vụ hỗ trợ tàu sân bay Abraham Lincoln cùng hạm đội tàu chiến, tàu hộ tống và máy bay đã khiến dư luận đặt ra những câu hỏi đối với đội tàu hậu cần của Hải quân Mỹ.

“Nếu chúng ta không thể tiếp nhiên liệu cho tàu của mình, khả năng của chúng ta sẽ giảm đi rất nhiều”, Thượng nghị sĩ Roger Wicker phát biểu với USNI News.

“Những vấn đề của Big Horn cũng nói lên một thách thức lớn hơn – chúng ta đang rất cần một đội tàu hậu cần lớn hơn, đây chính là huyết mạch cho sự hiện diện quân sự toàn cầu của chúng ta. Tôi hy vọng sự cố này sẽ là lời cảnh tỉnh rằng đã đến lúc phải sửa chữa các cơ sở công nghiệp đóng tàu của chúng ta và hỗ trợ các tàu thương mại của chúng ta.”

Mặc dù bản thân tàu sân bay Abraham Lincoln được cung cấp năng lượng bởi một lò phản ứng hạt nhân, nhưng nhóm tác chiến của tàu sân bay này có các tàu chạy bằng nhiên liệu hóa thạch cần được tiếp nhiên liệu trên biển. Máy bay trên tàu Lincoln cũng cần nhiên liệu phản lực.

Sự cố đối với tàu Big Horn sẽ gây khó khăn cho Hải quân Mỹ trong việc thực hiện các hoạt động tiếp nhiên liệu trên biển tại khu vực Trung Đông trong thời gian tới. Một số quan chức quân đội cho biết giải pháp ngắn hạn là các tàu khu trục của nhóm tác chiến sẽ tiếp nhiên liệu tại cảng và chúng có thể vận chuyển nhiên liệu hàng không đến tàu sân bay để cung cấp cho các máy bay chiến đấu và máy bay giám sát trên tàu.

Sự cố xảy ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về nguồn lực sẵn có cho Hải quân Mỹ trong bối cảnh lực lượng này đang phải đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu đang gia tăng.

Tình trạng thiếu hụt lao động tại các xưởng đóng tàu đã dẫn đến tình trạng tồn đọng trong sản xuất và bảo dưỡng tàu, kết hợp với việc thay đổi các ưu tiên quốc phòng, thay đổi thiết kế vào phút chót và chi phí vượt mức đã khiến Hải quân Mỹ tụt hậu so với Trung Quốc về số lượng tàu có thể sử dụng.

Hoạt động đóng tàu của Hải quân Mỹ hiện đang trong “tình trạng tồi tệ” nhất trong một phần tư thế kỷ, theo ông Eric Labs, một nhà phân tích hải quân lâu năm tại Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ. Hồi tháng 8 vừa qua, ông Eric Labs đã nói với hãng tin AP rằng hoạt động đóng tàu của Hải quân Mỹ đang tồi tệ chủ yếu là do tình trạng thiếu hụt lao động, đồng thời nói thêm rằng vấn đề này không thể giải quyết một cách nhanh chóng, dễ dàng.

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tau-tiep-van-duy-nhat-cua-hai-quan-my-o-trung-dong-gap-nan-268287.htm