Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đi vào quỹ đạo của mặt trăng
Hôm 8-8, CNN đưa tin Ấn Độ đã tiến một bước gần hơn tới việc thực hiện hạ cánh có kiểm soát trên mặt trăng sau khi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của họ đi vào quỹ đạo của vệ tinh này vào cuối tuần qua.
Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ đã xác nhận tàu vũ trụ cũng "đã trải qua thành công quá trình điều động giảm quỹ đạo theo kế hoạch. Việc trang bị thêm động cơ đã đưa nó đến gần bề mặt mặt trăng hơn".
Con tàu dự kiến sẽ hạ cánh trên mặt trăng vào ngày 23-8. Nếu thành công, sẽ đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đạt được kỳ tích này sau Hoa Kỳ, Liên Xô cũ và Trung Quốc.
Được phát triển bởi Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO), Chandrayaan-3 bao gồm một tàu đổ bộ, mô-đun động cơ đẩy và xe tự hành. Mục đích của nó là hạ cánh an toàn gần địa hình đầy thách thức ở cực nam của mặt trăng, thu thập dữ liệu và tiến hành một loạt thí nghiệm khoa học để tìm hiểu thêm về thành phần của mặt trăng.
Nó được phóng đi từ trung tâm vũ trụ Satish Dhawan tại Sriharikota ở miền nam bang Andhra Pradesh vào ngày 14-7 trong nỗ lực nâng cao tham vọng không gian của Ấn Độ và củng cố vị thế của nước này là một trung tâm đổi mới và công nghệ đang phát triển.
Đây là nỗ lực thứ hai của Ấn sau nỗ lực trước đó của họ đã thất bại với Chandrayaan-2 vào năm 2019. Tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên của họ, Chandrayaan-1, quay quanh mặt trăng và sau đó đã hạ cánh nhẹ nhàng xuống bề mặt mặt trăng vào năm 2008.
Các kỹ sư Ấn Độ đã làm việc cho dự án trong nhiều năm.
Sứ mệnh mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ, Chandrayaan-1, đã phát hiện ra các phân tử nước trên bề mặt mặt trăng. Mười một năm sau, Chandrayaan-2 đã đi vào quỹ đạo mặt trăng thành công và xe tự hành của nó đã hạ cánh xuống bề mặt mặt trăng.
Chương trình không gian của Ấn Độ đã có từ hơn sáu thập kỷ trước, khi nước này còn là một nước cộng hòa mới độc lập và là một quốc gia nghèo đói đang quay cuồng sau một cuộc chia cắt đẫm máu.
Khi phóng tên lửa đầu tiên vào vũ trụ vào năm 1963, quốc gia này không thể đối đầu với tham vọng của Mỹ và Liên Xô cũ, những nước đang dẫn đầu trong cuộc đua vũ trụ.
Giờ đây, Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ năm – và tham vọng không gian của nước này đang bắt kịp các đối thủ.