Tàu vũ trụ Liên Xô rơi xuống Trái đất: Giới khoa học cảnh báo về rác không gian
Tàu thăm dò Kosmos 482 của Liên Xô, được phóng vào năm 1972, đã rơi xuống Ấn Độ Dương hôm 10.5, theo thông báo từ Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos).
Tàu thăm dò Kosmos 482 của Liên Xô, được phóng vào năm 1972, đã rơi xuống Ấn Độ Dương hôm 10.5, theo thông báo từ Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos). Cụ thể, tàu này tái nhập khí quyển Trái đất vào sáng 10.5 và rơi xuống khu vực biển phía tây Jakarta, Indonesia. Toàn bộ quá trình được giám sát bởi Hệ thống cảnh báo tự động về các tình huống nguy hiểm trong không gian gần Trái đất. Không ghi nhận thiệt hại hay thương tích nào.

Các vật liệu bám theo tàu vũ trụ Kosmos 482 nhiều khả năng sẽ bị thiêu rụi hoàn toàn khi tái nhập khí quyển Trái đất - Ảnh: ESA
Lịch sử và chức năng ban đầu của Kosmos 482
Kosmos 482 được phóng vào năm 1972 như một phần của chương trình thăm dò hành tinh Venera của Liên Xô, vốn nhằm mục tiêu nghiên cứu sao Kim. Con tàu này được thiết kế gần giống với Venera 8, một trong những tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Kim.
Tuy nhiên, do một trục trặc xảy ra với tên lửa phóng Soyuz, Kosmos 482 không đạt đủ vận tốc để thoát khỏi quỹ đạo Trái đất và thay vào đó bị mắc kẹt trong quỹ đạo hình elip kéo dài, cách xa mặt đất, suốt hơn 50 năm.
Đáng chú ý, phần tàu hạ cánh của Kosmos 482 được chế tạo để chịu đựng điều kiện cực đoan trong quá trình đi qua khí quyển sao Kim, do đó nhiều chuyên gia cho rằng nó có thể còn nguyên vẹn khi rơi trở lại Trái đất. Marco Langbroek, giảng viên tại Đại học Kỹ thuật Delft (Hà Lan) cho rằng thiết kế đặc biệt của tàu giúp nó có thể tồn tại trong quá trình tái nhập, với vận tốc ước tính lên đến 242km/giờ.
Tình trạng rác vũ trụ đang gia tăng
Kosmos 482 là một phần trong bức tranh lớn hơn về vấn đề rác vũ trụ đang ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của ESA được công bố vào tháng 4 vừa qua, hiện có hơn 1,2 triệu vật thể lớn hơn 1cm đang quay quanh Trái đất. Những vật thể này có thể gồm vệ tinh không còn hoạt động, mảnh vỡ tên lửa, hoặc phần còn lại của các thiết bị phóng cũ.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có hơn 3 vụ tái nhập không kiểm soát của các mảnh vỡ không gian bao gồm cả vệ tinh và thân tên lửa rơi trở lại khí quyển Trái đất. Dù phần lớn trong số này cháy rụi hoàn toàn khi đi qua tầng khí quyển, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ một số vật thể đủ lớn có thể tiếp cận mặt đất.
Chuyên gia Derek Woods từ Kayhan Space cho biết sự gia tăng số lượng vật thể lớn có khả năng sống sót sau khi tái nhập là dấu hiệu cho thấy các mối nguy hiểm tiềm ẩn hiện hữu, đặc biệt khi nhiều vật thể trong số đó thuộc về thời kỳ đầu của kỷ nguyên không gian, như trường hợp của Kosmos 482.
Việc tái nhập không kiểm soát của Kosmos 482 đặt ra câu hỏi về quản lý vòng đời của các vật thể trong không gian. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều vệ tinh được phóng lên quỹ đạo hằng năm, gồm cả các cụm vệ tinh nhỏ phục vụ liên lạc, định vị và quan sát Trái đất, các cơ quan vũ trụ quốc tế đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn về việc giảm thiểu rủi ro do rác vũ trụ gây ra.
Theo các chuyên gia, việc thiết lập các kế hoạch rõ ràng để kiểm soát thời điểm và cách thức các vật thể quay trở lại Trái đất là cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ đối với con người và tài sản trên Trái đất. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các công nghệ thu gom và xử lý mảnh vỡ không gian cũng đang được nhiều quốc gia nghiên cứu và phát triển.
Một số phương pháp đang được xem xét, trong đó có sử dụng robot không gian để kéo các vật thể về khí quyển một cách có kiểm soát, hoặc triển khai lưới và thiết bị từ tính để thu gom mảnh vỡ trên quỹ đạo thấp.