Tàu vũ trụ thương mại đầu tiên đáp thành công xuống Mặt trăng
Tàu vũ trụ tự hành Odysseus, do Công ty Intuitive Machines (Mỹ) chế tạo thông qua sự hợp tác với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), đáp thành công xuống bề mặt của Mặt trăng hôm 22-2. Đây là tàu vũ trụ đầu tiên của một công ty tư nhân hạ cánh xuống Mặt trăng mà không gặp sự cố nghiêm trọng nào. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc lịch sử không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với ngành công nghiệp vũ trụ nói chung.
Sau 8 ngày bay, tàu Odysseus đáp an toàn xuống sát điểm mục tiêu là miệng hố Malapert A, cách cực nam của Mặt trăng 300 km. Tàu được tên lửa đẩy SpaceX Falcon 9 phóng đi từ Trung tâm không gian Kennedy của NASA ở bang Florida hôm 15-2.
Quá trình hạ cánh gây hồi hộp vào phút cuối khi bộ phận kiểm soát sứ mệnh mất liên lạc với tàu Odysseus ngay khi đáp xuống Mặt trăng. Tuy nhiên, khoảng 15 phút sau thời gian hạ cánh dự kiến, tàu đã truyền tín hiệu về Trái đất.
“Odysseus đã tìm được ngôi nhà mới!”, Tim Crain, Giám đốc sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng kiêm Giám đốc công nghệ của Intuitive Machines hồ hởi thông báo.
Cuộc đổ bộ này đánh dấu sự trở lại thành công của Mỹ trong sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng lần đầu tiên sau hơn 50 năm, sau khi chương trình không gian Apollo kết thúc vào năm 1972. Đây là cột mốc quan trọng trong kế hoạch đưa con người tới cực nam Mặt trăng vào năm 2026 của NASA bằng cách dựa vào các công ty tư nhân để giúp cắt giảm chi phí của các dịch vụ như vận chuyển, điều hướng và thông tin liên lạc.
“Mỹ đã quay trở lại Mặt trăng. Hôm nay là lần đầu tiên một công ty thương mại tư nhân của Mỹ dẫn dắt hành trình đó. Điều này cho thấy sức mạnh và triển vọng từ các mối quan hệ đối tác thương mại của NASA”, Bill Nelson, Giám đốc NASA, tuyên bố,
NASA cho biết, kế hoạch xây dựng một nền kinh tế Mặt trăng có tính khả thi thương mại sẽ rất quan trọng đối với tham vọng của tổ chức này nhằm thiết lập căn cứ lâu dài của con người trên Mặt trăng và cuối cùng là Sao Hỏa.
Thomas Zurbuchen, giáo sư khoa học vũ trụ của Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ), người điều hành các sứ mệnh khoa học của NASA cho đến năm 2022, nhận xét, cuộc đổ bộ Mặt trăng của tàu vũ trụ Odysseus “thay đổi toàn bộ mô hình khám phá hành tinh”.
“Trước nay, mọi sứ mệnh như vậy đều do các chính phủ thực hiện. Với sự hỗ trợ của các công ty tư nhân, chúng ta có thể làm điều đó với chi phí rẻ hơn rất nhiều”, ông nói.
NASA đã trả cho Intuitive Machines 118 triệu đô la Mỹ để tàu Odysseus mang theo sáu trọng tải khoa học, gồm các thiết bị quan sát thời tiết từ Mặt trăng và đèn hiệu vô tuyến để hỗ trợ điều hướng có thể hỗ trợ các tàu thám hiểm và tàu đổ bộ Mặt trăng trong tương lai. Tàu Odysseus cũng mang theo sáu gói hàng thương mại, gồm các tác phẩm điêu khắc nhỏ của nhà điêu khắc người Mỹ Jeff Koons, một camera để ghi lại cảnh hạ cánh.
Vận hành bằng năng lượng mặt trời, tàu sẽ thực hiện các thí nghiệm gần cực nam của Mặt trăng và dự kiến hoạt động trong khoảng 14 ngày dưới ánh sáng mặt trời. Đây là nhiệm vụ đầu tiên trong ba nhiệm vụ mà NASA lên kế hoạch cho Intuitive Machines để chuẩn bị cho chương trình Artemis của cơ quan này nhằm thám hiểm cực nam của Mặt trăng. Khu vực cực nam rất giàu tài nguyên như nước từ băng đá, có thể phân hủy thành hydro và oxy để giúp duy trì sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt trăng. Cuộc đổ bộ Mặt trăng thành công của tàu Odysseus diễn ra chỉ hơn một năm sau khi Intuitive Machines niêm yết cổ phiếu thông qua thỏa thuận sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC)
Trao đổi với Financial Times, Stephen Altemus, đồng sáng lập kiêm CEO của Intuitive Machines, cho biết công ty hướng tới mục tiêu cung cấp một loạt các dịch vụ Mặt trăng từ liên lạc đến điều hướng và thậm chí cả sản xuất điện.
“Chúng tôi sẽ có nhiều dữ liệu nhất và sự hiểu biết nhất về Mặt trăng”, ông nói.
Năm ngoái, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công tàu vũ trụ ở khu vực cực nam của Mặt trăng. Tháng trước, nỗ lực đáp xuống Mặt trăng của tàu Peregrine của Công ty Astrobotic Technology, có trụ sở ở bang Pennsylvania, thất bại do có trục trặc xảy ra ở hệ thống đẩy của tàu, dẫn đến mất nhiên liệu nghiêm trọng ngay sau khi phóng. Astrobotic Technology thực hiện sứ mệnh này theo hợp đồng với NASA.
Trong cùng tháng, tàu thám hiểm vũ trụ không người lái SLIM của Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã đáp thành công xuống Mặt trăng nhưng cú hạ cánh lộn ngược khiến tàu gặp khó khăn trong quá trình sản xuất năng lượng mặt trời, do đó, hạn chế khả năng khám phá bề mặt của Mặt trăng.
Theo Financial Times