Tàu, xe dịp Tết... không ''nóng''
Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tuy nhiên không khan hiếm như mọi năm, hiện lượng vé tàu, vé máy bay vẫn còn khá nhiều với mức giá phù hợp. Nhu cầu đi lại bằng xe khách liên tỉnh sẽ tăng cao vào một số thời điểm, song các đơn vị quản lý bến xe và doanh nghiệp vận tải đã sẵn sàng phương tiện dự phòng, bảo đảm không để hành khách nào không có xe về quê đón Tết.
Các đơn vị vận tải đã dự phòng khoảng 2.000 xe để phục vụ hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Đỗ Tâm
Vé máy bay không khan hiếm
Theo thông lệ hằng năm, dịp cao điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao dẫn đến tình trạng khan hiếm vé máy bay. Để sở hữu được tấm vé bay dịp Tết, hành khách sẽ phải chi trả mức giá cao, thậm chí có thể lên tới 4-5 triệu đồng/vé cho chặng Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lượng vé của các hãng vẫn còn khá nhiều với các mức giá phù hợp.
Khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới ngày 19-1 trên các trang bán vé trực tuyến của các hãng hàng không cho thấy, với đường bay luôn “nóng” dịp cao điểm là thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội vào ngày 3-2 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý 2020), Vietnam Airlines và Pacific Airlines vẫn đang bán với mức giá thấp nhất khoảng từ 1,9 triệu đồng/vé; khoảng 2 triệu đồng/vé của Bamboo Airways; từ 1,7 triệu đồng/vé (bay đêm) và từ 2,3 triệu đồng/vé (bay giờ ban ngày) của Vietjet Air. Các mức giá nói trên đã bao gồm thuế, phí.
Với những người đi du lịch vào dịp Tết thì lại càng có nhiều lựa chọn. Anh Nguyễn Minh Quang (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) cho biết, anh đã đặt vé khứ hồi của Vietnam Airlines cho cả gia đình đi Phú Quốc vào ngày 9-2 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Canh Tý 2020), về vào ngày 15-2 (tức ngày 4 tháng Giêng năm Tân Sửu 2021) với mức giá chỉ 3,5 triệu đồng/người.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam đánh giá, lượng hành khách dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ không nhiều hơn Tết năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Cục và các hãng đã chuẩn bị kịch bản tăng 10-20% lượng khách, đạt 7,5 triệu khách trong tháng Tết. Do không bay quốc tế nên các hãng có đủ nguồn lực để khai thác các đường bay nội địa khi xuất hiện nhu cầu đột biến.
Đường sắt còn nhiều vé, đường bộ không thiếu xe
Để phục vụ người dân đi lại dịp Tết Nguyên đán, ngành Đường sắt mở bán khoảng 240.000 vé tàu bằng nhiều hình thức, đặc biệt là bán trực tiếp đến các trường đại học và các khu công nghiệp để phục vụ học sinh, sinh viên và công nhân lao động; giảm 50% giá vé tàu Tết trên tuyến Bắc - Nam cho trẻ 6-10 tuổi... Tuy nhiên, đến thời điểm này, lượng vé tồn còn rất nhiều, người mua có thể dễ dàng mua vé.
Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đơn vị dự kiến bán ra 178.000 vé trên 354 chuyến tàu. Theo thống kê, đến nay vẫn còn khoảng 70.000 vé chưa bán, chiếm khoảng 40%. So với các năm trước, cùng thời điểm này, đơn vị thường bán được 70-80% số vé. Các đoàn tàu hết chỗ chủ yếu là chiều từ miền Nam ra miền Bắc vào các ngày từ 26 đến 28 tháng Chạp năm Canh Tý, ngày khác thì còn rất nhiều chỗ.
Ghi nhận trên hệ thống bán vé trực tuyến của ngành Đường sắt trong ngày 19-1, vé chiều thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội khởi hành ngày 5-2 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Canh Tý), đã gần kín chỗ. Tàu SE30 chỉ còn 56 chỗ; tàu SE24 còn 35 chỗ; tàu SE2 còn 16 chỗ...
Nếu như tàu chiều từ miền Nam ra miền Bắc hầu hết đã kín chỗ thì chiều ngược lại đang còn rất nhiều vé chưa bán được. Như tuyến Hà Nội - Đồng Hới và Hà Nội - Vinh vào ngày 7-2 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Canh Tý), tàu SE7 còn 343 chỗ; tàu SE5 còn 276 chỗ; tàu SE9 còn 153 chỗ. Với tàu địa phương tuyến Hà Nội - Hải Phòng, cũng vào ngày này, tàu HP1 còn 629 chỗ; tàu LP3 còn 585 chỗ. Tuyến Hà Nội - Yên Bái còn 195 chỗ...
Với đường bộ, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn nhận định, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, dự kiến lượng khách sẽ tăng 130-150% so với ngày thường. Hiện tại, các phương tiện vận tải trên các bến đang hoạt động bình quân với khoảng 50% hệ số trọng tải, vì vậy lượng xe về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên, đối với một số tuyến như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai… có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày. Các đơn vị vận tải đã dự phòng khoảng 2.000 xe tăng cường để bảo đảm mọi người đều có xe về quê ăn Tết.
Nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu các đơn vị bảo đảm chất lượng phương tiện, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định, chở quá tải, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19; bố trí lực lượng, phương tiện kịp thời giải tỏa hành khách trong những ngày cao điểm phục vụ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/989262/tau-xe-dip-tet-khong-nong